Hà Nội, UNESCO tăng cường hợp tác trong bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long
Chiều 25/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tiếp bà Simona-Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Hà Nội mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ hơn của UNESCO trong dự án phục dựng, tái tạo và tôn tạo khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết.
Tại cuộc tiếp bà Simona-Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO chiều ngày 25/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu trong số các di sản đã được UNESCO công nhận, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
“Quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội, được Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 2010 nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng Hà Nội mà cả đất nước Việt Nam,” Bí thư Đinh Tiến Dũng bày tỏ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã điểm lại các hoạt động nổi bật trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích Hoàng thành Thăng Long, bao gồm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản Thế giới, và tuyên truyền, quảng bá tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo cổ học, sử học và các giá trị văn hóa phi vật thể.
Ngoài ra, bản “Thông cáo Hà Nội 2022 về bảo tồn di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” đã được thông qua tại Hội thảo khoa học quốc tế có chủ đề “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”, tạo căn cứ, định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Nhắc đến các hoạt động đang triển khai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ rằng thành phố đang thực hiện công tác xây dựng hồ sơ “Báo cáo hiện trạng bảo tồn khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” và đã gửi tới UNESCO vào tháng 1/2024.
“Hồ sơ nghiên cứu làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu và giảm thiểu tác động can thiệp tới tính xác thực của khu Di sản trên theo nguyên tắc không làm thay đổi các giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản, trái lại càng làm tăng thêm gấp bội phần giá trị nổi bật toàn cầu của nó, đáp ứng ý nguyện và niềm tự hào dân tộc của toàn thể nhân dân Việt Nam,” Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết.
“Chúng tôi đang tiếp thu ý kiến của Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế ICOMOS bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trước kỳ họp thường niên lần thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO tại Ấn Độ vào tháng 7 tới”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh
Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội cam kết Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực và thực thi nghiêm túc Công ước Di sản Thế giới, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản, phát huy giá trị di sản với mục tiêu phát triển bền vững.
“Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của UNESCO, cũng như cá nhân Bà Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO trong quá trình triển khai những định hướng phát triển này, đặc biệt là ủng hộ hồ sơ Bảo tồn Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long (dự kiến sẽ được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban Di sản Thế giới vào tháng 7/2024),” Bí thư Đinh Tiến Dũng đề xuất.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn UNESCO sẽ hỗ trợ thành phố trong dự án phục dựng Điện Kính Thiên. Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, đây là dự án mang ý nghĩa quan trọng đối với Hà Nội, phản ánh đầy đủ các yếu tố văn hóa phong tục cổ truyền của người Việt.
“Hà Nội chủ trương khơi thông nguồn lực từ văn hóa, và coi văn hóa là động lực thúc đẩy Thủ đô tăng trưởng, phát triển,” Bí thư Đinh Tiến Dũng bày tỏ.
Về phần mình, bà Simona-Mirela Miculescu chúc mừng Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam với những thành tựu đạt được trong 20 năm qua. Chủ tịch UNESCO cũng ca ngợi mối quan hệ hợp tác tốt đẹp mà UNESCO đã xây dựng, phát triển tại Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam là một thành viên tích cực, đã giữ nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan, tổ chức thuộc UNESCO.
“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục và tăng cường hợp tác với Việt Nam và Hà Nội trong bối cảnh quan hệ hai bên đang ở thời điểm tốt đẹp nhất", đại diện UNESCO phát biểu.
Đối với hoạt động bảo tồn, phục dựng và tôn tạo Di tích Hoàng thành Thăng Long, bà Simona-Mirela cho biết UNESCO rất ấn tượng với những thành tựu mà Hà Nội đã đạt được.
“Tại UNESCO, các lãnh đạo cấp cao và chuyên gia hoàn toàn hiểu rõ tầm quan trọng của di sản này đối với Hà Nội và Việt Nam.
“Một trong những ấn tượng của tôi khi đến thăm Di sản Hoàng Thành Thăng Long là công tác giáo dục di sản của thành phố, khi có hàng trăm em học sinh đã đến thăm, tìm hiểu các giá trị của di sản này”, bà Simona-Mirela -Chủ tịch UNESCO nói.
Đại diện UNESCO cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các hoạt động trong tương lai tại Di sản Hoàng Thành Thăng Long.
“UNESCO luôn tôn trọng và đánh giá cao các hành động của Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội trong hoạt động bảo tồn văn hóa, bảo tồn di sản", bà Simona-Mirela nhấn mạnh.