Hà Nội ứng dụng trí tuệ nhân tạo xây dựng quản trị điều hành thông minh

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các cấp chính quyền TP Hà Nội đã và đang ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quản trị, hỗ trợ công tác hành chính. Từ đó, tạo ra sự thay đổi căn bản, toàn diện, hướng tới xây dựng nền hành chính thông minh.

Trung tâm Điều hành, phân tích dữ liệu và giám sát an toàn thông tin quận Ba Đình.

Trung tâm Điều hành, phân tích dữ liệu và giám sát an toàn thông tin quận Ba Đình.

Công cụ quan trọng hướng tới xây dựng nền hành chính thông minh

Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã khẳng định, nền hành chính thông minh là một trong những đột phá chiến lược hàng đầu, giữ vai trò động lực then chốt trong việc thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Yếu tố này không chỉ góp phần đưa đất nước phát triển vượt bậc, mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới mà còn tạo nền tảng cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57, TP Hà Nội đặt ra nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình hiện đại hóa công tác hành chính và chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử Thủ đô. Trong bối cảnh đó, AI được xác định là công cụ quan trọng, đóng vai trò tối ưu hóa quy trình, phân tích dữ liệu lớn để đưa ra dự báo chính xác và hỗ trợ ra quyết định một cách hiệu quả hơn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin điện tử TP (Văn phòng UBND TP Hà Nội) Nguyễn Đức Thuận, ứng dụng AI sẽ tăng cường hiệu quả công tác chuyên môn. Trong đó, AI tự động hóa các công việc lặp lại như soạn thảo văn bản, bài phát biểu, nhắc lịch họp và phân phối xử lý văn bản giúp giảm 30% thời gian xử lý công việc hành chính; tự động hóa công tác viết bài đưa tin về các hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo UBND TP, Chủ tịch UBND TP trên Cổng thông tin điện tử TP; cung cấp khả năng tra cứu thông tin pháp luật nhanh chóng và chính xác, đáp ứng kịp thời nhu cầu của lãnh đạo và cán bộ Văn phòng trong công tác tham mưu, giúp việc lãnh đạo UBND TP.

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Thông tin điện tử TP, AI sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua việc tích hợp với Cổng thông tin điện tử thành phố; xử lý nhanh hơn các phản ánh, kiến nghị, góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, AI sẽ hỗ trợ lãnh đạo trong công tác điều hành, như tự động tổng hợp tài liệu, báo cáo (phân tích hiệu quả chính sách, dự báo xu hướng kinh tế - xã hội) và nhắc nhở các công việc ưu tiên, giúp lãnh đạo tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả ra quyết định…

Tạo ra sự thay đổi căn bản và toàn diện

Nhận thức rõ vai trò của AI trong thời đại số, một số địa phương đã ứng dụng AI Chatbot để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp… Nhờ vậy, thay vì phải tìm các thủ tục hành chính qua nhiều văn bản khác nhau hay sử dụng các kênh truyền thống cần con người giải đáp, công dân có thể hội thoại với Chatbot để có được thông tin cần thiết. Các ứng dụng cũng có khả năng đa ngôn ngữ phục vụ người nước ngoài, giảm tải sự hỗ trợ trực tiếp từ cán bộ, công chức, giúp việc cung cấp thông tin trở nên minh bạch và dễ tiếp cận hơn đối với người dân, doanh nghiệp.

Từ cuối năm 2024, Cụ Thuế Hà Nội đã đưa vào sử dụng thí điểm "Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế". Cụ thể, thực hiện tổng hợp, phân loại toàn bộ cơ sở dữ liệu về các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính thuế (với 100 bộ luật chuyên ngành), biên tập hơn 10.000 câu hỏi song ngữ… kết hợp với công nghệ AI, trợ lý ảo hỗ trợ trả lời những câu hỏi của người nộp thuế một cách tự động, nhanh chóng...

Cũng trong thời điểm cuối năm 2024, Văn phòng UBND TP Hà Nội lần đầu tiên giới thiệu Chatbot thử nghiệm 6 ứng dụng AI gồm: Claude Sonet của Amazone; ChatGpt của OpenAI; Llama của Meta; Gemini của Google; Mitral của Pháp; Hanoi virtual Assistant do Văn phòng UBND TP phối hợp với Công ty Asus Việt Nam và Công ty D2S nghiên cứu, xây dựng. Hệ thống trợ lý ảo AI dùng để phục vụ xử lý công việc tại cơ quan.

Đặc biệt, AI "Hanoi virtual Assistant" là sản phẩm công nghệ đột phá, độc đáo mang dấu ấn riêng, được phát triển và nội địa hóa để đáp ứng nhu cầu và điều kiện đặc thù của hệ thống hành chính Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác thông tin và truyền thông Hà Nội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, diễn ra vào giữa tháng 1 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải từng nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu, và đặc biệt kêu gọi mỗi cán bộ nên sử dụng 1 trợ lý ảo nhằm phục vụ tốt nhất cho công việc chuyên môn, đồng thời, để trợ giúp phân tích dữ liệu, đưa ra các đánh giá khách quan, hiệu quả công việc…

Việc TP ứng dụng rộng rãi AI sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản và toàn diện trong cách thức chỉ đạo, điều hành và quản lý của các cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, AI cũng là động lực thúc đẩy đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện phương thức sống và làm việc của người dân, hướng tới xây dựng một xã hội thông minh, hiện đại và bền vững hơn.

Quỳnh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-xay-dung-quan-tri-dieu-hanh-thong-minh.html