Ông Trump và DeepSeek là tâm điểm khi 100 nước tụ họp ở Hội nghị thượng đỉnh AI Paris
Nhiều con mắt đổ dồn về Paris (thủ đô Pháp) tuần tới để xem liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể tìm được tiếng nói chung với Trung Quốc và gần 100 quốc gia khác về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) một cách an toàn hay không.
Khoảng một năm sau khi các cường quốc thế giới tính toán đến mối nguy hiểm của AI tại Bletchley Park (Anh), nhóm quốc gia rộng lớn hơn sẽ tụ họp tại Paris để thảo luận về cách ứng dụng công nghệ này.
Với mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp AI quốc gia, Pháp sẽ tổ chức Hội nghị Hành động về AI cùng Ấn Độ vào ngày 10 và 11.2, tập trung vào các lĩnh vực mà nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu có lợi thế: Hệ thống mã nguồn mở và năng lượng sạch để vận hành các trung tâm dữ liệu.
Giảm thiểu tình trạng gián đoạn lao động và thúc đẩy chủ quyền trong thị trường AI toàn cầu cũng nằm trong chương trình nghị sự.
Các giám đốc hàng đầu từ Alphabet, Microsoft và hàng chục doanh nghiệp khác dự kiến sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh AI ở Paris. Những nhà lãnh đạo chính phủ dự kiến sẽ dùng bữa tối 10.2 với một số CEO được chọn.
Các cuộc đàm phán sẽ gồm cả một buổi họp hôm 11.2 với Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI (“cha đẻ” ChatGPT), hai người tham gia hội nghị thượng đỉnh tiết lộ với hãng tin Reuters.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ có đạt được sự đồng thuận với các quốc gia khác về AI hay không.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20.1, Tổng thống Trump đã thu hồi lệnh hành pháp năm 2023 của cựu Tổng thống Joe Biden về AI, khởi động việc rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris một lần nữa. Ngoài ra, ông Trump đối mặt với áp lực từ Quốc hội trong việc cân nhắc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới với chip AI nhằm đối phó Trung Quốc.
Phó tổng thống Mỹ JD Vance sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh AI ở Paris với tư cách đại diện của Mỹ.
Một thông cáo nguyên tắc không ràng buộc về quản lý AI, với chữ ký của Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác, đang được đàm phán. Nếu đạt được, đây sẽ là một thành tựu lớn, theo những người tham gia hội nghị yêu cầu giấu tên. Họ từ chối tiết lộ chi tiết về nội dung của thông cáo hoặc liệu có bất kỳ điểm bất đồng nào giữa các bên tham gia ký kết hay không.
Nhà Trắng không trả lời khi được đề nghị bình luận.
Một quan chức của văn phòng Tổng thống Pháp (Điện Élyseé) cho biết Hội nghị thượng đỉnh AI sẽ lắng nghe tiếng nói của các quốc gia trên toàn thế giới, chứ không chỉ Mỹ và Trung Quốc.
"Chúng tôi đang chứng minh rằng AI đã có mặt ở đây, rằng các công ty phải áp dụng công nghệ này, rằng nó là một động lực cạnh tranh cho Pháp và cả châu Âu", quan chức Điện Élyseé nói.
Không có quy định mới về AI
Các cam kết về an toàn là chủ đề chính trong các hội nghị AI trước đó ở Bletchley Park (Anh) và Seoul (thủ đô Hàn Quốc). Song tại Paris, việc tạo ra các quy định mới không nằm trong chương trình nghị sự.
Bị ảnh hưởng bởi những quy định phức tạp và danh tiếng là khu vực "sợ rủi ro", châu Âu, đặc biệt là Pháp, muốn thảo luận về các khung chính sách AI thay vì ban hành thêm các quy tắc có thể làm chậm tốc độ phát triển của các công ty trong nước, vốn đã tụt hậu so với các đối thủ ở Mỹ.
Pháp và các quốc gia khác đang tìm cách triển khai Đạo luật AI của Liên minh châu Âu theo cách linh hoạt nhất có thể để không cản trở sự đổi mới, theo những người tham gia hội nghị.
Thay vào đó, trọng tâm sẽ là cách phân phối lợi ích của AI đến các quốc gia đang phát triển thông qua mô hình AI giá rẻ được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Mistral (Pháp) và DeepSeek (Trung Quốc).
DeepSeek (có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc) đã gây chấn động thị trường toàn cầu vào tháng trước khi chứng minh có thể cạnh tranh với các tập đoàn Mỹ trong công nghệ AI suy luận giống con người bằng mô hình AI nguồn mở mạnh mẽ với chi phí đào tạo thấp hơn đáng kể.
Pháp đã nắm bắt sự phát triển này như bằng chứng cho thấy cuộc đua toàn cầu để có AI mạnh mẽ hơn vẫn còn rộng mở.
Một trong những kết quả có thể xảy ra tại Hội nghị thượng đỉnh AI ở Paris là các tổ chức từ thiện và doanh nghiệp dự kiến sẽ cam kết đầu tư 500 triệu USD ban đầu, tăng lên 2,5 tỉ USD trong 5 năm, để tài trợ cho các dự án vì lợi ích công cộng về AI trên toàn thế giới.
Một kết quả khác là giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng mà ngành công nghiệp cho rằng là điều không thể tránh khỏi do các mô hình AI ngốn nhiều điện của họ.
Là một trong những quốc gia sản xuất năng lượng sạch hàng đầu thế giới dưới dạng năng lượng hạt nhân, Pháp muốn dung hòa các tham vọng về khí hậu và AI của thế giới.
“Năng lượng phi carbon và hệ thống điện hạt nhân của Pháp, trong bối cảnh gia tăng các trung tâm dữ liệu, là một lợi thế. Chúng tôi có thể sẽ thông báo về vấn đề này tại hội nghị", một quan chức ở Điện Élyseé nói.
DeepSeek đem đến cơ hội cho các hãng công nghệ châu Âu theo kịp cuộc đua AI toàn cầu
Hemanth Mandapati, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Novo AI (Đức), là một trong những người đầu tiên sử dụng DeepSeek khi chuyển sang mô hình AI Trung Quốc này từ GPT của OpenAI cách đây hai tuần.
"Nếu đã xây dựng ứng dụng của mình bằng OpenAI, bạn có thể dễ dàng chuyển sang các mô hình khác... Chúng tôi chỉ mất vài phút để chuyển đổi", Hemanth Mandapati nói trong một cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị GoWest dành cho các nhà đầu tư mạo hiểm tại thành phố Gothenburg (Thụy Điển).
Sự phổ biến của DeepSeek đang thay đổi bối cảnh AI, cung cấp cho các công ty quyền tiếp cận mô hình AI với chi phí thấp hơn nhiều, theo các cuộc phỏng vấn với hơn 12 lãnh đạo công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư. DeepSeek cũng có tiềm năng thúc đẩy các công ty khác cải thiện mô hình AI của họ và giảm giá thành.
"DeepSeek đưa ra một mức giá thấp hơn 5 lần so với giá thực tế của họ. Tôi đang tiết kiệm được rất nhiều tiền và không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào", Hemanth Mandapati nói.
Các công ty khởi nghiệp công nghệ châu Âu đã gặp khó khăn trong việc áp dụng công nghệ mới bằng tốc độ tương đương những đối thủ ở Mỹ, do khó tiếp cận nguồn vốn hơn. Thế nhưng, lãnh đạo một số công ty khởi nghiệp châu Âu cho rằng DeepSeek có thể thay đổi cuộc chơi.
"Đây là một bước tiến quan trọng trong việc dân chủ hóa AI và tạo sân chơi bình đẳng với các tập đoàn công nghệ lớn", theo Seena Rejal, Giám đốc thương mại của hãng NetMind.AI (Anh), một trong những người sớm sử dụng DeepSeek.
Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Bernstein (Mỹ) ước tính rằng giá của DeepSeek rẻ hơn từ 20 đến 40 lần so với các mô hình AI tương đương từ OpenAI. OpenAI tính phí 2,5 USD cho 1 triệu token đầu vào (đơn vị dữ liệu được mô hình AI xử lý), trong khi DeepSeek hiện chỉ tính 0,014 USD cho cùng một số lượng token.
Các cơ quan quản lý bày tỏ lo ngại về việc liệu DeepSeek có sao chép dữ liệu từ OpenAI hoặc kiểm duyệt những câu trả lời có thể gây bất lợi cho Trung Quốc hay không. Hiện tại, DeepSeek bị điều tra tại nhiều quốc gia châu Âu.
"Dù tương lai của DeepSeek với tư cách là một doanh nghiệp còn khó đoán định, nhưng nó đã tạo ra những ảnh hưởng quan trọng đến ngành công nghệ AI", Sanjot Malhi, đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm Northzone, nhận xét.
Gần 100 tỉ USD đã được các nhà đầu tư mạo hiểm rót vào các công ty AI tại Mỹ trong năm 2024, so với khoảng 15,8 tỉ USD ở châu Âu, theo dữ liệu từ hãng PitchBook.
Ngày 22.1, Tổng thống Donald Trump đã công bố một dự án AI trị giá 500 tỉ USD có tên Stargate, liên doanh được dẫn dắt bởi OpenAI, SoftBank và Oracle. Trong khi đó, đầu tư vào AI ở châu Âu vẫn còn khiêm tốn.
Chỉ có Mistral (Pháp) là công ty khởi nghiệp duy nhất nằm trong danh sách các mô hình AI nền tảng hàng đầu, vốn bị thống trị bởi OpenAI, Meta Platforms, Anthropic và Google.
DeepSeek đã thu hút sự chú ý sau khi đăng bài viết hồi tháng 12.2024 cho biết việc đào tạo mô hình nguồn mở V3 chỉ tiêu tốn chưa đến 6 triệu USD chi phí điện toán từ khoảng 2.000 chip Nvidia H800. Andrej Karpathy, thành viên sáng lập của OpenAI, đã gọi đây là "ngân sách nực cười".
Nvidia H800 không phải là loại chip hàng đầu. Ban đầu H800 được Nvidia phát triển như một sản phẩm giảm hiệu năng để vượt qua các hạn chế từ chính quyền Biden với mục đích bán cho thị trường Trung Quốc, song sau đó bị cấm theo lệnh trừng phạt của Mỹ.
Chi phí đào tạo các mô hình DeepSeek tương đối thấp khiến ngành công nghiệp phải đánh giá lại mức độ cần thiết của bộ xử lý đồ họa (GPU) để đào tạo các mô hình AI ngày càng tinh vi hơn.
Cuối tháng 1, trợ lý AI miễn phí của DeepSeek đã vượt ChatGPT để trở thành ứng dụng năng suất được xếp hạng cao nhất trên Apple App Store.
R1, mô hình AI nguồn mở mới nhất của DeepSeek được cho là sử dụng ít dữ liệu hơn với chi phí đào tạo chỉ bằng một phần nhỏ so với mô hình của các hãng công nghệ hàng đầu Mỹ như OpenAI, Meta Platforms và Anthropic. Điều này có thể đánh dấu bước ngoặt trong mức đầu tư cần thiết cho AI.
Thung lũng Silicon rất lo lắng vì trong các bài đánh giá từ bên thứ ba, R1 đã vượt trội mô hình AI của OpenAI, Meta Platforms và Anthropic. Cột mốc này nhấn mạnh cách DeepSeek đã để lại ấn tượng sâu sắc tại Thung lũng Silicon, làm lung lay quan niệm phổ biến về sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực AI cùng hiệu quả từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm vào chip tiên tiến và năng lực AI của Trung Quốc.
"Đây là hồi chuông cảnh tỉnh rằng lớn hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Bằng cách làm cho các mô hình dễ tiếp cận hơn với mọi người, tổng chi phí sở hữu và rào cản để xây dựng công nghệ sáng tạo đều giảm xuống, có thể trở thành chất xúc tác cho cả ngành", Fabrizio Del Maffeo, Giám đốc điều hành hãng Axelera AI (Hà Lan), nói.
Dù một số nhà phân tích nghi ngờ chi phí đào tạo V3 của DeepSeek không thực sự thấp như tuyên bố, họ đồng ý rằng nó vẫn thấp hơn so với các mô hình AI tương đương của Mỹ.
"Tôi coi DeepSeek là một cơ hội tuyệt vời cho các công ty như chúng tôi. Điều đó cho thấy rằng chúng tôi không cần ngân sách khổng lồ để có thể đạt được tầm nhìn của mình", Ulrik R-T, Giám đốc điều hành hãng Empatik AI (Đan Mạch), chia sẻ với Reuters.
Tuần trước, Microsoft đã triển khai miễn phí mô hình suy luận o1 của OpenAI cho tất cả người dùng Copilot, thay vì thu phí đăng ký 20 USD mỗi tháng như trước đây.
"Giá AI đang giảm xuống, nên việc sử dụng trong tương lai có thể hướng đến những mô hình có tính minh bạch cao, mà thường là nguồn mở, dù rằng chúng được phát triển ở Trung Quốc", chuyên gia Joachim Schelde từ quỹ đầu tư Scale Capital (Đan Mạch) nhận xét.
Tuy nhiên, các công ty châu Âu lớn hơn, từ Nokia (Phần Lan) đến SAP (Đức), vẫn thận trọng hơn trong việc chuyển đổi sang mô hình AI của DeepSeek.
"Chi phí chỉ là một yếu tố. Những yếu tố khác gồm: Bạn có đầy đủ chứng nhận bảo mật không? Bạn có các khung phát triển, hệ sinh thái phần mềm cho phép các công ty xây dựng và tích hợp với nền tảng của bạn không?", Alexandru Voica, Giám đốc phụ trách mảng doanh nghiệp tại hãng Synthesia (Anh), cho hay.