Hà Nội ưu tiên nguồn vốn cho các dự án giáo dục, y tế, di tích

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP. Hà Nội luôn ưu tiên nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư cho giáo dục, y tế, di tích và tăng lên qua từng giai đoạn.

PV: Thưa ông, vừa qua Hà Nội đã điều chỉnh vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm, trong đó có các dự án về xây dựng cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế, tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP. Hà Nội. Ông có thể cho biết cụ thể về việc phân bổ nguồn vốn này?

Ông Lê Trung Hiếu: Tại các kỳ họp HĐND TP. Hà Nội và kỳ họp chuyên đề (năm 2022, 2023, 2024), HĐND thành phố đã ban hành các Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022, 2023, 2024, trong đó, đã bố trí vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các dự án thuộc 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, ngân sách thành phố hỗ trợ vốn cho 1.458 dự án thuộc 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích với tổng số tiền 44.056,9 tỷ đồng (gồm 16 dự án trường THPT do ngân sách cấp huyện bố trí 100% vốn và 4 dự án xã hội hóa đầu tư). Trong đó, cấp thành phố có 108 dự án 10.549,3 tỷ đồng; cấp huyện có 1.350 dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ 33.507,6 tỷ đồng.

Ông Lê Trung Hiếu

Ngân sách thành phố đã bố trí Kế hoạch đầu tư công trung hạn 26.026,7 tỷ đồng thực hiện 1.218 dự án, gồm dự án cấp thành phố đã bố trí 2.634,7 tỷ đồng cho 40 dự án; dự án hỗ trợ cấp huyện đã bố trí 23.392 tỷ đồng cho 1.178 dự án (đạt 70% kế hoạch).

Đặc biệt, tại kỳ họp tháng 7/2024, HĐND thành phố đã phê duyệt Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 04/7/2024, bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 là 1.227,9 tỷ đồng cho 132 dự án. Ngân sách cấp huyện đã bố trí đối ứng 4.205,9 tỷ đồng cho 1.153 dự án, đạt 22% kế hoạch.

Lĩnh vực y tế các huyện đã tập trung bố trí với tỷ lệ vốn đối ứng cao, lĩnh vực giáo dục, di tích các huyện bố trí đối ứng còn thấp, chưa tương ứng với số vốn ngân sách thành phố hỗ trợ được bố trí.

Ngoài ra, có 03 đơn vị có tỷ lệ bố trí vốn đối ứng cao hơn 50%, gồm: Thạch Thất (61%), Thanh Trì (62%), Thường Tín (58%); 02 đơn vị có tỷ lệ bố trí vốn đối ứng khá cao, gồm: Quốc Oai (42%), Sóc Sơn (47%); 08 đơn vị có tỷ lệ bố trí vốn đối ứng còn thấp dưới 30%: Chương Mỹ (20%), Đông Anh (25%), Mỹ Đức (17%), Phúc Thọ (20%), Thanh Oai (28%), Ứng Hòa (23%), Sơn Tây (24%).

Hà Nội ưu tiên nguồn vốn cho các dự án giáo dục, y tế, di tích. Ảnh: TL

Hà Nội ưu tiên nguồn vốn cho các dự án giáo dục, y tế, di tích. Ảnh: TL

PV: Với nguồn vốn trên, các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích đến nay đã được thành phố triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trung Hiếu: Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch đầu tư trong 3 lĩnh vực giai đoạn 2022-2025, Ban Chỉ đạo cấp thành phố đã thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban toàn thành phố để chỉ đạo công tác triển khai thực hiện, kịp thời chỉ đạo rà soát giải quyết các khó khăn vướng mắc về vốn theo đề xuất kiến nghị của các huyện.

TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án đầu tư, bố trí kế hoạch vốn, khởi công công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án; yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, xây dựng phương án điều chỉnh tổng thể Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của cấp thành phố. Đồng thời, yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát nguồn vốn để cân đối, bố trí vốn đối ứng cho từng dự án cả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm của huyện, thị xã để hoàn thành dự án. Các sở ngành kịp thời phối hợp với các quận, huyện, thị xã để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đối với các dự án theo tiến độ yêu cầu.

Với sự quan tâm sâu sát đó, tính đến tháng 7/2024, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.384/1.458 dự án, đạt 95% (còn 74 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư); đã phê duyệt 1.239/1.458 dự án, đạt 85%; đã khởi công và triển khai xây dựng 855 dự án.

Giai đoạn 2021-2023 hoàn thành 366 dự án; dự kiến năm 2024 hoàn thành 449 dự án; lũy kế đến hết năm 2024 dự kiến có 815 dự án hoàn thành, đạt 56% số dự án. So với kỳ họp Ban Chỉ đạo thành phố tháng 4/2024, đã có thêm 27 dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, 28 dự án mới được phê duyệt, 11 dự án mới khởi công.

PV: Thực tế, từ nay đến hết năm 2025, khối lượng các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích phải hoàn thành rất lớn. TP. Hà Nội sẽ làm gì để đẩy nhanh tiến độ các dự án trên, hoàn thành mục tiêu đề ra, thưa ông?

Ông Lê Trung Hiếu: Mới đây, Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo đã họp giao ban. Tại cuộc họp, thành phố xác định thời gian tới tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá tình hình, khả năng triển khai, hấp thụ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, năm 2024, 2025 của 3 lĩnh vực.

Đồng thời, xây dựng phương án điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của cấp thành phố trên cơ sở bảo đảm khả năng huy động nguồn lực của thành phố, tính khả thi trong tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư công, trình HĐND TP. Hà Nội quyết định tại các kỳ họp chuyên đề, thường lệ cuối năm 2024 bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công.

Các đơn vị rà soát các dự án cấp thành phố, cấp huyện; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cụ thể từng dự án với mục tiêu quyết tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch đối với 3 lĩnh vực…/.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đối với các dự án cấp huyện được ngân sách thành phố hỗ trợ: Tổng số 1.350 dự án, trong đó đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.303 dự án đạt 96,5% kế hoạch; còn 47 dự án chưa duyệt chủ trương đầu tư; đã phê duyệt 1.191 dự án; đã khởi công xây dựng 827 dự án. Giai đoạn 2021-2023 hoàn thành 352 dự án; dự kiến năm 2024 hoàn thành 444 dự án; lũy kế đến hết năm 2024 sẽ có 796 công trình hoàn thành (đạt 59% số dự án).

Đối với các dự án cấp huyện được ngân sách Thành phố hỗ trợ: Tổng số 1.350 dự án, trong đó đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.303 dự án đạt 96,5% kế hoạch; còn 47 dự án chưa duyệt chủ trương đầu tư; đã phê duyệt 1.191 dự án; đã khởi công xây dựng 827 dự án. Giai đoạn 2021-2023 hoàn thành 352 dự án; dự kiến năm 2024 hoàn thành 444 dự án; lũy kế đến hết năm 2024 sẽ có 796 công trình hoàn thành (đạt 59% số dự án).

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-uu-tien-nguon-von-cho-cac-du-an-giao-duc-y-te-di-tich-156250.html