Cần cuộc 'cách mạng' trong quản lý trồng cây xanh

Do ảnh hưởng của bão số 3, hàng ngàn cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bị đổ, gẫy. Sự cố trên không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mỹ quan đô thị mà còn bộc lộ rất nhiều bất cập trong việc quản lý, trồng cây xanh trên địa bàn thành phố.

Bộc lộ nhiều bất cập

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội, tính đến tối 8/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 24.807 cây, tập trung nhiều ở các địa bàn: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm… Cây xanh gẫy đổ đã gây ra các thiệt hại về người và làm một số phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Hàng loạt cây xanh bị đổ còn nguyên bọc bầu đất. Ảnh Internet.

Hàng loạt cây xanh bị đổ còn nguyên bọc bầu đất. Ảnh Internet.

Có thể nói, những thiệt hại do bão số 3 gây ra với hệ thống cây xanh, đời sống của người dân ở Thủ đô là “không thể đong đếm”. Thế nhưng, sự cố trên đã cho thấy phần nào những bất cập trong công tác quản lý, trồng cây xanh của Thủ đô hiện nay. Nói như vậy là bởi, trong hàng ngàn cây xanh bị gẫy đổ có nhiều rất nhiều cây có dấu hiệu chưa được trồng theo đúng quy trình, kỹ thuật, còn ni lông quấn bầu đất, nhều cây xanh chỉ được trồng rất nông so với mặt đường… tiềm ẩn nguy cơ đổ gẫy khi mưa bão.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, một nhà vườn tại Hưng Yên cho biết, theo quy trình trồng và chăm sóc cây xanh tạo bóng mát tại các đô thị, sau khi đánh cây để mang đi trồng tại địa điểm mới, người trồng cây thường quấn một lớp vỏ bọc bầu đất bằng ni lông, lưới, thậm chí là bao tải… cho cây để giữ độ ẩm và giữ cho bầu đất được chắc chắn, không bị rơi, vỡ trên đường di chuyển.

Song, lớp vỏ bọc bầu đất bằng chất liệu gì không quan trọng, quan trọng nhất là khi tiến hành trồng cây, người trồng phải tháo bỏ, xé, đâm thủng lớp vỏ bọc này, đặc biệt là lớp bọc bằng ni lông, bao tải… để cho phần rễ cây được ngậm nước nhiều hơn, dễ ra rễ non, dễ ăn sâu vào lòng đất. Ngoài ra, hố trồng cây phải có chiều cao gấp 2, 3 lần so với chiều cao của bầu đất… thì mới đảm bảo sự phát triển của cây.

Sớm hoàn thiện chế tài quản lý, bảo tồn và phát triển cây xanh

Ông Nguyễn Đức Hưng – Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội cho rằng, để nâng cao chất lượng, quản lý cây xanh đô thị, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế chính sách, đảm bảo việc thực thi được các quy hoạch, kiến trúc và kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh đã được phê duyệt; xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để thực hiện và quản lý, giám sát, duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng đô thị sau đầu tư nói chung và hệ thống cây xanh nói riêng.

Lực lượng chức năng phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy ổ chức khắc phục sự cỗ cây xanh gẫy đổ.

Lực lượng chức năng phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy ổ chức khắc phục sự cỗ cây xanh gẫy đổ.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường, công an, các đơn vị, tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị; Xây dựng và thực thi các chế tài nghiêm khắc đối với các chủ đàu tư, tổ chức cá nhân không thực hiện theo quy định quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Việt Nam, cây xanh đô thị có vai trò quan trọng trong đời sống của con người, nó không những làm đẹp thành phố, làm phong phú cuộc sống văn hóa dân cư đô thị mà còn có ý nghĩa kinh tế và tác dụng phòng hộ, điều tiết cải thiện khí hậu.

Do đó, chúng ta cần sớm hoàn chỉnh và cập nhật các quy trình quy phạm trong công tác quản lý, giám sát, thi công, duy trì và bảo tồn hệ thống cây xanh theo đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây để Hà Nội nói riêng và các đô thị trên cả nước có những bước đi, cách làm và giải pháp cụ thể cho sự phát triển bền vững của hệ thống cây xanh đô thị.

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-cuoc-cach-mang-trong-quan-ly-trong-cay-xanh.html