Hà Nội và 11 tỉnh thành phố có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao tiếp tục giãn cách xã hội ít nhất thêm 1 tuần

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 đề xuất Thủ tướng, 12 tỉnh thành phố có nguy cơ cao lây nhiễm Covid -19 trong đó có Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm tất cả các nội dung trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng ít nhất đến ngày 22-4, các địa phương còn lại với nguy cơ thấp hơn thì thực hiện việc giãn cách xã hội ở mức độ thấp hơn, nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, không được chủ quan lơ là.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị

Chiều 15-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương, thành phố lớn trên cả nước về công tác phòng chống dịch Covid-19.

60% người dân muốn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng theo đúng tinh thần: "Chống dịch như chống giặc"; thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước diễn biến của dịch bệnh. Kết quả người người dân đồng tình ủng hộ, tuân thủ thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Theo số liệu của Ban Tuyên giáo, kết quả khảo sát của một số tờ báo, đến trưa 15-4, trong 33.000 lượt bạn đọc bình chọn có 60 % ý kiến đồng ý phương án nên kéo dài thực hiện giãn cách xã hội; 36 % ý kiến cho rằng đợi sau ngày 15-4 rồi quyết định; còn lại có ý kiến khác.

Ông Long cho biết, dư luận có 3 nhóm ý kiến: thứ nhất, khẳng định việc thực hiện cách ly xã hội trong thời gian qua là cần thiết và đã phát huy hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch. Thứ hai là việc thực hiện cách ly trong thời gian qua được sự đồng thuận, nhất trí cao của mọi tầng lớp nhân dân. Thứ ba, trong thời gian tới, dư luận đề nghị cần tiếp tục thực hiện cách ly xã hội, nhưng xem xét điều chỉnh ở mức độ phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương để đảm bảo thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của các địa phương, các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã được thực hiện nghiêm; Người dân cơ bản có ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình, cộng đồng; chấp nhận ở nhà để đảm bảo giãn cách xã hội, không tập trung đông người; hầu hết người dân đều đeo khẩu trang khi ra đường, nơi công cộng, giữ khoảng cách cần thiết để phòng dịch.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng có một số nơi, cán bộ cơ sở và chính quyền địa phương thực hiện một cách máy móc và không đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về ý nghĩa việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh dẫn đến không tuân thủ các quy định.

Liên quan đến việc sau ngày 15-4, có tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 nữa hay không, ông Long cho biết, BCĐ phòng chống dịch Covid -19 Trung ương đã chỉ đạo nhóm chuyên gia xây dựng các mô hình dự báo mức độ nguy cơ của từng địa phương, dựa trên các tiêu chí cụ thể. Từ đó BCĐ phòng chống dịch Covid-19 Trung ương thống nhất chia các địa phương thành 3 nhóm: nguy cơ cao; nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Nhóm nguy cơ cao có 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các nội dung của Chỉ thị 16 đến hết ngày 22-4.

Nhóm nguy cơ gồm 15 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp.

Nhóm nguy cơ thấp là 36 tỉnh còn lại. 2 nhóm này thì thực hiện việc giãn cách xã hội ở mức độ thấp hơn, nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, không được chủ quan lơ là.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quyết định các biện pháp bổ sung, nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Tư pháp, Bộ Công an hướng dẫn các địa phương sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ trích xuất hình ảnh để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt không đeo khẩu trang, tập trung đông người; không nới lỏng chính sách nhập cảnh, tiếp tục ngăn chặn xâm nhập qua biên giới...

"Ta không dỡ bỏ mà giảm một số biện pháp ở các địa phương ít có nguy cơ. Chúng ta đi ra là đi từ từ", ông Long nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp

Kiến nghị cách ly thêm 14 ngày với người cách ly tập trung xong

Tại hội nghị, báo cáo Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trước tình hình, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc hết sức quyết liệt, có nhiều sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp kịp thời với phương châm “chống dịch như chống giặc”, đến nay cơ bản vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh ở thế chủ động, ngăn chặn tối đa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đại đa số người dân Thủ đô đồng thuận, hưởng ứng và thực hiện các quy định của Trung ương, Thành phố và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tuy nhiên, tại một số khu vực, cộng đồng dân cư còn có hiện tượng tập trung đông người và đi lại không cần thiết. Còn một số trường hợp chưa chấp hành nghiêm túc việc đeo khẩu trang, còn một số người dân chưa thực hiện giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố.

Đáng chú ý, qua kết quả khoanh vùng, dập dịch tại các ổ dịch ở Hà Nội cho thấy đã có ca lây nhiễm chéo ra cộng đồng ở nhiều độ tuổi khác nhau (từ 15 đến 90 tuổi). Số người đến vùng dịch ở nhiều độ tuổi khác nhau, diện rất rộng. Vì vậy nhiều khả năng ngoài xã hội vẫn có các trường hợp bệnh nhân đã nhiễm bệnh chưa được phát hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, qua rà soát thống kê, xác định có khoảng gần 5.000 người đã đi đến Bệnh viện Bạch Mai để chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện (từ ngày 15/3 đến 28/3) ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh này khẩn trương phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai để tổ chức làm rõ tất cả các trường hợp này, phải lấy mẫu xét nghiệm với vi rút Covid-19.

Liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, chợ hoa Mê Linh có các giao dịch mua bán với nhiều tỉnh, thành từ Hà Tĩnh trở ra, với số hoa đem đến bán từ Đà Lạt - Lâm Đồng, từ Sapa - Lào Cai nên nguy cơ lây nhiễm là rất cao, Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tất cả các tỉnh này cần xác minh làm rõ và lấy mẫu xét nghiệm.

"Thực tế tại Hà Nội đã có những ca xét nghiệm hai lần âm tính, lần thứ ba mới dương tính, một số ca khi đến từ sân bay và cách ly tập trung xét nghiệm lần 1 âm tính, khi xét nghiệm lần 2 trước khi ra về cho kết quả dương tính. Vì vậy đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tất cả các trường hợp cách ly tập trung trung sau về nhà phải cách ly tại nhà thêm 14 ngày", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-va-11-tinh-thanh-pho-co-nguy-co-lay-nhiem-covid19-cao-tiep-tuc-dan-cach-xa-hoi-it-nhat-them-1-tuan/850690.antd