Hà Nội: Vẫn còn bất cập trong triển khai bộ quy tắc ứng xử
Vẫn còn những bất cập trong trỉen khai hai bộ quy tắc ứng xử để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Sau khi ban hành bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, thành phố Hà Nội rốt ráo triển khai tới từng quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Qua nửa năm đưa vào thực tiễn, hai bộ quy tắc ứng xử đang dần phát huy tác dụng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Xuất hiện nhiều mô hình tốt
Qua cuộc kiểm tra của Ban chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020 tại Quận ủy Hai Bà Trưng cho thấy, quận Hai Bà Trưng đã thực hiện tốt việc triển khai hai bộ quy tắc ứng xử.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cho biết, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc quận đã cam kết thực hiện các nội dung của bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Hàng tháng, hàng quý, các cơ quan đơn vị nghiêm túc tổ chức đánh giá thi đua, biểu dương, khích lệ những cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu tốt, có nhiều thành tích, đồng thời chấn chỉnh các hiện tượng thiếu nghiêm túc. Tương tự như vậy, 100% tổ dân phố, địa bàn dân cư triển khai, phổ biến Quy tắc ứng xử nơi công cộng đến người dân.
Quận đã in và cấp phát 75.000 tờ gấp tuyên truyền về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đến các hộ gia đình. Qua kiểm tra xác suất 8/20 phường đều có biên bản họp dân phố về triển khai quy tắc ứng xử trong cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, tổ dân phố 5A, địa bàn dân cư Đại học Kinh tế quốc dân, phường Đồng Tâm có nhiều dân cư sống xen lẫn ký túc xá đại học nhưng tổ dân phố đã triển khai đến từng hộ dân. Nhân dân trong tổ coi trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan ngõ phố, tổ chức xé tờ dán rao vặt, quảng cáo, khơi thông cống rãnh...
Tổ dân phố 14A, 14 B, địa bàn dân cư 14, phường Bạch Mai có đặc thù nhiều hộ dân cư sống xen lẫn các chung cư cao tầng nhưng thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Tổ dân phố tích cực tuyên truyền, vận động, các hộ dân nghiêm túc chấp hành, ra quân xé quảng cáo rao vặt, vận động 100% hộ kinh doanh đường phố khắc phục biển hiệu sai quy định, sơn quét vôi mặt tiền, không khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp...
Tại quận Hà Đông, Quận ủy, Ủy ban nhân dân cũng như cả hệ thống chính trị trong quận cũng tổ chức triển khai nghiêm túc hai bộ quy tắc đến các cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư, các địa điểm công cộng.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông Phạm Đức Hòa cho biết, ngay sau khi hai bộ quy tắc ứng xử được ban hành, quận Hà Đông đã nhanh chóng triển khai và được sự đón nhận của đông đảo các cơ quan, đơn vị, người dân. Quận cũng tiến hành phát tập gấp tuyên truyền về quy tắc ứng xử, tổ chức phát thanh đến các địa bàn dân cư.
Riêng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là những người gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện quy tắc ứng xử. Trước đó, Hà Đông vốn là địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Do vậy, việc triển khai các bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống tương đối thuận lợi, tạo thêm chuyển biến trong ý thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân thực hiện nếp sống văn hóa.
Khắc phục bất cập
Mặc dù đưa vào thực tiễn mới được nửa năm, thời gian chưa nhiều để khẳng định tính hiệu quả nhưng với mục tiêu hai bộ quy tắc ứng xử hướng tới đã nhận được sự đồng thuận của đa phần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng như cộng đồng dân cư.
Đó là cơ sở để hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội triển khai sâu rộng trong cuộc sống. Tuy vậy, hai bộ quy tắc này cũng còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai, các cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra để tìm giải pháp khắc phục, tạo điều kiện cho các bộ quy tắc ứng xử “sống” được lâu bền trong thực tiễn.
Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng thẳng thắn thừa nhận, công tác tuyên truyền, giáo dục đã được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện thường xuyên với nhiều nội dung, hình thức phong phú.
Tuy nhiên, có lúc, có nơi việc triển khai chưa thực sự đi vào chiều sâu, một bộ phận người dân ý thức chưa cao trong việc chấp hành các quy định Nhà nước, còn thiếu ý thức trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến cảnh quan, đô thị.
Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã triển khai tới từng hộ dân, tuy nhiên chưa chuyển biến rõ ràng. Vì vậy, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng đề xuất các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân nơi công cộng.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, việc triển khai các phong trào văn hóa nói chung cũng như hai bộ quy tắc ứng xử, một số nơi còn thực hiện theo kiểu hình thức, các cấp quản lý còn chưa thực sự quan tâm.
Nếu bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có sự thuận lợi khi triển khai bởi phạm vi áp dụng chỉ là các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố thì Quy tắc ứng xử nơi cộng cộng có phạm vi rộng hơn, đối tượng áp dụng đa dạng hơn và triển khai sẽ khó khăn hơn.
Bởi vậy, để hai bộ quy tắc ứng xử phát huy giá trị trong cuộc sống, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và có những hướng đi phù hợp.
Đề cập đến vấn đề thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, hai bộ quy tắc này là trọng tâm trong phát triển văn hóa Hà Nội vì vậy cơ quan chức năng thành phố cũng như các quận, huyện đang quan tâm triển khai. Với những cách làm tốt, thành phố tiếp tục nhân rộng và điều chỉnh, tháo gỡ những vướng mắc.
Điều quan trọng để làm sao cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân đón nhận, lúc đó các bộ quy tắc sẽ phát huy được hiệu quả./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ha-noi-van-con-bat-cap-trong-trien-khai-bo-quy-tac-ung-xu-/50898.html