Hà Nội: Vận động hơn 2 tỷ đồng cứu trợ trẻ em khuyết tật

6 tháng đầu năm 2024, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội đã vận động được hơn 2 tỷ đồng.

Ngày 10-7, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2024.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bùi Tuấn

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bùi Tuấn

Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội đã vận động được số tiền và hiện vật (quy đổi) là trên 2 tỷ đồng, bao gồm 1,4 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của các dự án, hơn 600 triệu đồng từ nguồn vận động trực tiếp. Trong đó, các dự án truyền thống có thể kể đến như dự án “Bước tiến” của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Australia); dự án của Hội Huynh đệ Âu - Á (Pháp) trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật trên địa bàn Hà Nội…

Trên cơ sở các nguồn lực vận động, Thường trực Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội trong công tác khám và điều trị cho trẻ em khuyết tật; tổ chức tư vấn, phát thuốc, tặng quà cho trẻ em khuyết tật của 4 đơn vị: Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Trường PTCS Xã Đàn, Trường Tiểu học Bình Minh, Trung tâm Hy Vọng… Tổng số trẻ khuyết tật được thăm khám và tặng quà là 624 trẻ.

Hội duy trì mối quan hệ phối hợp hoạt động với các phòng lao động - thương binh và xã hội các quận, huyện và trực tiếp với 12 đơn vị cơ sở đào tạo chuyên biệt trong công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ tật trong đơn vị, bảo đảm an toàn cho trẻ trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, Hội phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc huy động trẻ khuyết tật còn khả năng đi học được đến các loại hình trường, lớp phù hợp.

Thường trực Hội đã làm việc với Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội để chuẩn bị triển khai các lớp dạy nghề cho trẻ khuyết tật ở các đơn vị theo kế hoạch năm 2024 (triển khai trong quý III và IV năm 2024).

Trong thời gian tới, Hội sẽ tổ chức biểu dương các gương “Người tốt, việc tốt" tiêu biểu trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật của thành phố; tổ chức giao lưu giữa các trường, trung tâm đào tạo, chăm sóc trẻ khuyết tật; đồng thời, tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ truyền thống để duy trì các hoạt động trợ giúp, chăm sóc cho trẻ khuyết tật; tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ mới cho hoạt động của Hội.

Cùng với đó là tổ chức đoàn bác sĩ đến khám cho trẻ khuyết tật một số đơn vị, duy trì hoạt động của phòng khám và tư vấn thường xuyên, miễn phí cho trẻ khuyết tật đặt tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội và các lớp học văn hóa, định hướng nghề nghiệp cho trẻ khuyết tật ở các trường, trung tâm.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-van-dong-hon-2-ty-dong-cuu-tro-tre-em-khuyet-tat-671700.html