Hà Nội với hơn 10 triệu dân: thách thức quản lý an toàn thực phẩm

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, an toàn thực phẩm là vấn đề rộng và khó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Với quy mô dân số của TP hơn 10 triệu dân, đây là một thách thức trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện...

Sáng 9/7, HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 về việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội.

Vẫn có hàng hóa trôi nổi, nhập lậu

Tại phiên chất vấn, đại biểu HĐND TP Trần Khánh Hưng bày tỏ quan ngại khi vừa qua cơ quan công an đã công bố thông tin vừa bắt tạm giam và khởi tố hình sự đối với 4 đối tượng giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh. Trong khi đó, báo cáo nêu trong 1 ngày, tổng trọng lượng thịt gia súc, gia cầm kiểm soát dung cấp ra thị trường là 550 tấn/ngày, tương đương 60% nhu cầu thịt tiêu thụ của thị trường Hà Nội được kiểm soát. Vậy 40% nhu cầu thịt tiêu thụ còn lại của người dân có nguồn gốc như thế nào?

Đại biểu HĐND TP Trần Khánh Hưng chất vấn

Đại biểu HĐND TP Trần Khánh Hưng chất vấn

“Với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND TP, Sở Nông nghiệp và Môi trường có biện pháp gì để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô trong khi nhu cầu của người dân rất lớn” - đại biểu Trần Khánh Hưng chất vấn.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại chia sẻ, Hà Nội là địa bàn tiêu thụ thịt rất lớn. Hà Nội có số lượng chăn nuôi nhỏ lẻ lớn với 126 ngàn hộ, đồng thời trong đó nội địa TP cung ứng được 60%, còn lại là nhập từ các địa phương khác.

“Không phải chỉ riêng 60% nhu cầu thịt được kiểm soát, mà thực phẩm vào TP luôn có quy định rõ ràng. Tuy nhiên vẫn có hàng hóa trôi nổi, nhập lậu hoặc sai phạm từ các cơ sở nhỏ lẻ. Về các biện pháp cụ thể, năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng các nội dung về phát triển nông nghiệp, đồng thời có thêm cơ chế phạt nặng, nghiêm minh với các trường hợp sai phạm và tăng cường công tác kiểm ra xử lý vi phạm” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND TP Hoàng Thị Tú Anh về các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, theo kế hoạch phê duyệt, Hà Nội có 29 cơ sở giết mổ tập trung, đến nay có 5/8 khu cơ sở giết mổ công nghiệp. Trong số 5 cơ sở này, có 3 cơ sở đang đi vào hoạt động ổn định, tuy nhiên công suất chưa đạt như mong muốn. Hà Nội có 126 nghìn hộ gia đình chăn nuôi, đứng thứ 2 cả nước về chăn nuôi, việc chăn nuôi thời gian qua hết sức khó khăn. Hiện nay, vị trí để đặt các điểm giết mổ còn gặp khó khăn. Chúng tôi đang báo cáo nội dung chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn, xây dựng chế tài để xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Kiểm soát trong quá trình giết mổ

Liên quan đến việc giải quyết các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, đây là vấn đề khó khăn. Song nếu chúng ta triển khai được các cơ sở tập trung, có đủ các cơ chế chính sách để thu hút và tạo điều kiện hoạt động cho các cơ sở tập trung này, thì sẽ thu hẹp, bóp lại các cơ sở nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cần phải tăng cường thêm công tác quản lý Nhà nước, hướng dẫn quy trình, kiểm soát trong quá trình giết mổ…

Phó Chủ tịch UBND TP cũng chỉ rõ, vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm có rất nhiều khâu, từ trồng trọt, chăn nuôi, cho đến lưu thông, rồi đến bảo quản, chế biến. Các khâu trước mà đảm bảo rồi nhưng khâu bảo quản và chế biến không đảm bảo thì cũng ảnh hưởng đến vấn đề chất lượng của thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời tại phiên chất vấn

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời tại phiên chất vấn

Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu về mô hình quản lý liên quan đến vấn đề vệ sinh thực phẩm. Có như vậy thì công tác vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô mới tốt lên được.

Làm rõ hơn nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề rộng và khó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Với quy mô dân số của TP hơn 10 triệu dân, đây là một thách thức trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.

Riêng về trồng trọt và bảo vệ thực vật, theo Phó Chủ tịch UBND TP, Hà Nội đã tạo thành các vùng sản xuất và đảm bảo trong thời gian dịch bệnh cũng như bão lũ đều đảm bảo phân phối, điều phối nguồn lương thực thực phẩm cho người dân của Thủ đô cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân.

Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, chủ trương của TP là quy hoạch thành các khu chăn nuôi tập trung, ký liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương. Giải pháp chính là hạn chế ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP và cung cấp nguồn thực phẩm đủ cho người dân Thủ đô.

Về vấn đề giết mổ, Phó Chủ tịch UBND TP thừa nhận, đây là vấn đề TP cũng rất là trăn trở nhiều năm. Trong đó tập trung việc hoàn thiện được quy hoạch và xây dựng cơ chế chính sách.

Trong quá trình khảo sát thực tế, nhiều cơ sở giết mổ tập trung thu hút đầu vào rất khó khăn. Do chi phí về đầu tư, chi phí trong quá trình giết mổ, không thể cạnh tranh được với các cơ sở nhỏ lẻ. Đây là cái bài toán mà UBND TP đã nhận thức được và giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì cùng với các ngành nghiên cứu đề xuất, đưa ra cơ chế trình vào kỳ họp tới đây để giải quyết triệt để vấn đề này.

Hồng Thái - Thịnh An - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-voi-hon-10-trieu-dan-thach-thuc-quan-ly-an-toan-thuc-pham.763706.html