Hà Nội: Vựa rau ven sông Hồng tất bật vào vụ mới
Nằm ven sông Hồng, thôn Đông Cao thuộc xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) được xem là vựa rau lớn nhất nhì của Hà Nội. Gác lại những ngày Xuân tươi vui, bà con nông dân nơi đây đang tất bật bắt tay vào vụ mới.
Duy trì chất lượng
Vụ Xuân 2023, gia đình chị Trần Thị Hường (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) gieo trồng 2 mẫu rau các loại, chủ yếu là củ cải. Đây cũng là loại cây trồng truyền thống của nhiều hộ dân ở vùng bãi sông Hồng vào vụ Xuân những năm gần đây.
“Vụ trong Tết, rau củ của bà con trong thôn làm ra không bị dư thừa, giá cả cũng khá tốt. Chúng tôi kỳ vọng vụ Xuân này, nhu cầu thị trường tiếp tục được duy trì ổn định để bà con bớt lo lắng trong khâu tiêu thụ…” - chị Hường nói.
Ở khu đồng thôn Đông Cao cách đó không xa, anh Nguyễn Văn Hải đang xúc từng xẻng đất phù sa để bồi đắp cho diện tích đất chuẩn bị gieo trồng rau vụ Xuân. Ngoài tăng chất lượng đất canh tác, việc làm này còn giúp tôn nền đất để tránh úng ngập khi trời mưa lớn. Theo anh Hải, chi phí sản xuất 1 kg rau củ hiện nay phổ biến từ 3.000 đồng. Do đó, giá bán các loại rau củ cao hơn con số này thì bà con mới có lãi.
Nhiều năm trở lại đây, bà con nông dân xã Tráng Việt cũng đã tiếp cận hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Chi phí lắp đặt mỗi sào canh tác vào khoảng 1 triệu đồng, không quá cao so với khả năng đầu tư của các nông hộ. Bù lại, việc chăm sóc rau của bà con bớt vất vả gấp nhiều lần.
Để nâng cao chất lượng rau củ cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, từ tháng 6/2022, Hội Nông dân xã Tráng Việt đã phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao triển khai mô hình “Cánh đồng sạch” trên quy mô 2,6ha. Mô hình hiện có sự tham gia của hơn 100 nông hộ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tráng Việt Vũ Văn Lợi cho biết, các hộ tham gia đều phải ký cam kết việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Thứ 7 hàng tuần, các hộ cùng nhau vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó là duy trì tiêu chuẩn canh tác an toàn và theo hướng VietGAP đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp chứng nhận để bảo đảm cung ứng cho thị trường những sản phẩm rau củ tốt nhất.
Vẫn lo đầu ra
Một vài năm trước, tại vựa rau xã Tráng Việt từng xảy ra tình trạng nông sản, nhất là củ cải bị dưa thừa nguồn cung khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Có thời điểm, củ cải bị nhổ bỏ, đổ đống trên đồng bãi ven sông. Vụ Xuân năm nay, điều này hứa hẹn sẽ được cải thiện.
Anh Nguyễn Văn Hải, một nông dân ở thôn Đông Cao, cho biết toàn bộ diện tích 4 sào củ cải của gia đình đã được thương lái trên địa bàn huyện Mê Linh đặt mua từ khi mới gieo hạt. Mỗi sào củ cải, bà con được trả khoảng 8 triệu đồng. “Bà con chăm sóc cho tới khi có củ thì sẽ được nhận đủ tiền. Việc tiêu thụ sản phẩm sẽ do thương lái lo…” - ông Hải chia sẻ.
Mặc dù vậy, số lượng liên kết tiêu thụ như của gia đình anh Hải và tiểu thương hiện vẫn chưa nhiều. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 40 thương lái thu mua rau củ. Việc tiêu thụ vẫn chủ yếu là thỏa thuận giữa thương lái và người nông dân. Hợp tác xã cũng chỉ mới hỗ trợ tiêu thụ được khoảng 10% sản lượng rau củ của các thành viên.
Thực tế, mối liên kết này cho thu nhập ổn định, nhưng giá trị mang lại không cao cho người nông dân. Đặc biệt là khi thị trường bị thiếu hụt nguồn cung, chênh lệch về lợi nhuận sẽ rất lớn, và phần thiệt thòi lại thuộc về những người nông dân.
Cũng theo ông Đàm Văn Đua, ngoài thương lái đặt mua từ khi gieo trồng, rau củ tại thôn Đông Cao còn được tiểu thương thu mua đầu bờ, cung cấp tận nơi cho các bếp ăn, hoặc bán tại chợ đầu mối, dân sinh… Một kênh tiêu thụ ổn định bởi vậy vẫn là mong mỏi lớn của hàng trăm nông hộ tại vựa rau ven sông Hồng.
Vựa rau thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) có diện tích khoảng 300ha, chủ yếu canh tác theo hướng an toàn và VietGAP, hiện đang cung cấp khoảng 20% tổng nhu cầu về rau củ các loại cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-vua-rau-ven-song-hong-tat-bat-vao-vu-moi-707810.html