Hà Nội xác minh nhóm 'thổi giá' đất nền ngoại thành qua đấu giá
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, đơn vị đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh, làm rõ việc một nhóm đối tượng có dấu hiệu đi 'kích sóng, thổi giá' đất nền.
Thông tin với báo chí, một lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, việc đấu giá đất vùng ven do các huyện thực hiện có giá cao vọt lên so với giá mặt bằng chung của thị trường, thậm chí có nơi gấp từ 2 - 3 lần. Hiện Sở này đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh, làm rõ việc một nhóm đối tượng có dấu hiệu đi "thổi giá, kích sóng" đất nền.
"Công tác đấu giá đất do các địa phương tự tổ chức, tuy nhiên có vài phiên giá trúng cao vọt nên Sở chủ động vào cuộc nắm tình hình. Chúng tôi đang đợi thời điểm đến hạn nộp tiền trúng đấu giá để xem tình hình cụ thể thế nào. Việc thổi giá, tạo sóng sẽ khiến đất nền xung quanh khu vực đấu giá bị đẩy lên, khiến thị trường BĐS không được phát triển bình thường, lành mạnh", vị lãnh đạo Sở TNMT Hà Nội nói và đánh giá đa số khách hàng tham gia đấu giá đất nền không phải do nhu cầu thật, có dấu hiệu liên kết hội nhóm vì động cơ gì đó.
Trước đó, ngày 28/7, huyện Đan Phượng tổ chức đấu giá 85 lô đất ở các xã Đan Phượng, Hạ Mỗ và Phương Đình, có 1.252 bộ hồ sơ nộp vào tham gia đấu giá. Kết quả, có lô đất tại xã Hạ Mỗ được trả giá lên đến 99,2 triệu đồng/m2 khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Tiếp đó, phiên đấu giá 68 lô đất ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai nóng không kém tại huyện Đan Phượng khi có tới 7.000 bộ hồ sơ do khoảng 1.600 người nộp vào tham gia trả giá.
Kết thúc phiên đấu giá, lô đất góc có giá trúng cao nhất là hơn 100,5 triệu đồng/m2. Hầu hết các lô đất có giá trúng từ trên 80 - 90 triệu đồng/m2, lô trúng thấp nhất là 63,5 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm, giá các lô trúng cao gấp 5 - 8 lần.
Gần đây nhất, tại "chảo lửa" đấu giá 19 lô đất ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức nóng hơn nữa khi có hơn 700 hồ sơ nộp vào tham gia trả giá. Cuộc đấu giá đất này kéo dài từ 9 giờ sáng 19/8 đến 4 giờ 30 phút rạng sáng 20/8 mới ngã ngũ sau 9 vòng đấu. Giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2 đối với LK03-12 là thửa ở góc, có 3 mặt tiền, rộng hơn 113 m2; tổng giá trị lên đến hơn 15 tỉ đồng. So với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng, lô đất này được nhà đầu tư trả gấp hơn 18 lần.
2 lô đất có giá trúng đấu giá cao thứ 2 là LK03-6 và LK04-6 lên đến 127,3 triệu đồng/m2. 14 lô còn lại có giá trúng đấu giá từ 97,3 - 121,3 triệu đồng/m2. Có 2 lô trúng có giá đấu giá thấp nhất cũng lên đến 91,3 triệu đồng/m2.
Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam quý 2 và 06 tháng đầu năm 2024 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết giao dịch đất nền vùng ven bắt đầu “tăng nhiệt” nhưng chưa thực sự “sôi động” với mức giá chỉ tăng khoảng 5-10% so với đáy.
Tuy nhiên, đất đấu giá ở khu vực ngoại thành Hà Nội vượt mốc 100 triệu đồng/m2 bị nhiều người có nhu cầu ở thực lẫn đầu tư coi là bất thường. Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, các đợt "sốt" đất thời gian qua chủ yếu là chiêu trò kiếm lời của các nhà đầu cơ, môi giới. Nhiều nhóm người thu gom đất trước đây sẽ thông qua các phiên đấu giá trong khu vực để đẩy giá, tạo mặt bằng cao hơn. Từ mức tăng phi thực tế tại phiên đấu giá đất huyện Thanh Oai, giới đầu tư đánh giá có nhiều lô đất trúng đấu giá không bán được họ sẽ bỏ cọc gây lũng đoạn thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam chia sẻ: "Kết quả đấu giá là một tín hiệu rất ngạc nhiên. Nhưng điều này có tác động của hai yếu tố, thứ nhất là tâm lý về tin đồn thổi, hoặc có thể người ta thổi giá lên để kiếm lời bằng cách đấu giá.
Sự chênh lệch giá gấp đôi, thậm chí gấp ba ngay ở những khu đất cạnh nhau tại một khu vực, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, "nó sẽ ảnh hưởng đến chi phí đền bù nếu như có công việc khác ở đó phải mua đất, tự nhiên sẽ đẩy ra một giá ảo. Thứ hai, chắc chắn sau kết quả của cuộc đấu giá này, một thời gian khi hết thời gian đặt cọc, chúng ta sẽ biết thực chất của việc giá có phải như vậy không"...