Hà Nội: Xây dựng các mô hình đào tạo cho công nhân viên chức, lao động
Trong 5 năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn Hà Nội tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và lao động khu vực phi chính thức. Toàn thành phố hiện có khoảng 270 nghìn doanh nghiệp, với trên 2,7 triệu lao động (tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 70,3%).
Mặc dù trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức của tình hình thế giới, khu vực và trong nước; song đội ngũ công nhân viên chức, lao động Thủ đô đã vững vàng vượt qua với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực học tập và rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ tiên tiến, thích ứng với cơ chế thị trường, có ý thức phấn đấu, đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn chú trọng những mô hình đào tạo, học tập, nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề cho công nhân viên chức, lao động. Qua đó, đội ngũ đoàn viên, công nhân viên chức, lao động từng bước nâng cao nhận thức, không ngừng học tập, trau dồi trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm bản thân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vị trí việc làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất, Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) và Viễn thông Hà Nội tiến hành khảo sát, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí phục vụ trên 100.000 công nhân lao động tại khu nhà ở công nhân các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn xây dựng các tiêu chí "Đơn vị học tập", tích cực tuyên truyền tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động và toàn xã hội về tầm quan trọng và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức và tuyên truyền vận động 97,5% công nhân viên chức, lao động thường xuyên học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống, tin học, ngoại ngữ… đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, ổn định đời sống việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, các cấp Công đoàn cần tăng cường trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công nhân lao động tại doanh nghiệp hình thành thói quen tự học, tích cực học tập nâng cao trình độ, tay nghề, hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống, phấn đấu đạt danh hiệu "Công dân học tập" với các năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Trường Trung cấp nghiệp vụ và dạy nghề Công đoàn Hà Nội đã phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức các lớp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho trên 23.000 học viên là người lao động; mở các lớp lý luận nghiệp vụ công đoàn, trao Bằng chứng nhận tốt nghiệp cho 565 học viên…
Cùng với việc kịp thời giới thiệu, biểu dương các tập thể, cá nhân, mô hình, cách làm hay tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, các cấp Công đoàn Thủ đô tích cực huy động các nguồn lực hợp pháp từ xã hội để đầu tư, tài trợ các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ công nhân và con công nhân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Trong đó, Công đoàn viên chức thành phố xây dựng quỹ khuyến học với số tiền trên 1,3 tỷ đồng; Liên đoàn Lao động huyện Ứng Hòa có 17 quỹ khuyến học với số tiền 196 triệu đồng; Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất có 8 quỹ khuyến học với số tiền 67 triệu đồng.
Công đoàn cơ sở đã phối hợp với chuyên môn xây dựng cơ chế ưu tiên đãi ngộ đối với công nhân giỏi, công nhân có tay nghề, thợ bậc cao, công nhân có thành tích cao tại các hội thi do các cấp ngành tổ chức; xây dựng cơ chế khuyến khích công nhân học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề.
Đáng chú ý, sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng", phong trào thi đua và khen thưởng của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các phong trào thi đua gắn với những chủ đề thiết thực như: Đẩy mạnh cải cách hành chính; Trật tự văn minh đô thị; Vệ sinh, an toàn thực phẩm; Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô; Người tốt, việc tốt…
Theo thống kê, năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội (cơ quan thường trực Hội đồng Sáng kiến thành phố) đã nhận được 560 hồ sơ đề nghị xét tặng Bằng "Sáng kiến Thủ đô" thuộc các lĩnh vực: Quản lý nhà nước, y tế, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, sản xuất kinh doanh, khoa học và công nghệ… Hội đồng Sáng kiến thành phố đã họp xem xét và thống nhất lựa chọn 44/560 sáng kiến đủ điều kiện đề nghị UBND thành phố tặng Bằng "Sáng kiến Thủ đô" năm 2024.
Đáng chú ý, trong những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội triển khai, phát động có nhiều chuyển biến về chất lượng, tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo trong đội ngũ công nhân viên chức, lao động. Trọng tâm là phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô", "Sáng kiến sáng tạo Thủ đô", "Dạy tốt, học tốt", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", đặc biệt là phong trào "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi"... nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước tham gia Chương trình "01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" với 40.002 người tham gia, đứng thứ 2 về số sáng kiến (201.129 sáng kiến), vượt 130% chỉ tiêu được giao.
Cũng theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh, do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, đơn hàng suy giảm dẫn đến việc làm không được đều, đời sống người lao động còn nhiều vất vả nên việc tiếp cận học nghề và có kinh phí học là một trở ngại lớn. Công nhân lao động cần sự quan tâm và hỗ trợ các suất học nghề miễn, giảm học phí, hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, giúp người lao động có hành trang tốt nhất để ổn định công việc, nâng cao thu nhập, không bị đào thải, đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp 4.0.
Giai đoạn 2023 - 2028, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đặt mục tiêu ít nhất 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; trên 90% cán bộ công đoàn được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ; 100% Chủ tịch Công đoàn cơ sở tham gia lần đầu được đào tạo, bồi dưỡng với hình thức phù hợp.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp" gắn với xây dựng "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử và phong trào Học tập suốt đời trong công nhân, viên chức, người lao động.