Hà Nội: Xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy với mô hình mẫu, đứng đầu cả nước
Mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn Hà Nội luôn tập trung cho mục tiêu xây dựng môi trường điều trị cai nghiện an toàn, thân thiện, hiệu quả, hướng tới xây dựng đơn vị cai nghiện với mô hình mẫu của cả nước.
Ngày 12-6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức hội nghị công bố các quyết định của UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức lại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 7 cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc Sở, đóng tại địa bàn huyện Ba Vì, huyện Sóc Sơn, quận Nam Từ Liêm và thị xã Sơn Tây. Tại thời điểm tháng 6-2024, các cơ sở quản lý và tổ chức cai nghiện cho hơn 3.700 lượt người, tăng cao so với thời điểm tháng 6 năm trước. Con số này phần nào cho thấy hiệu quả hoạt động của mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, thiết thực góp phần giảm tác hại do ma túy, thành phố Hà Nội tiến hành tổ chức lại mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Theo mô hình tổ chức mới, về cơ bản, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội vẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức điều trị cai nghiện, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho học viên. Cùng với đó là việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy đối với người tự nguyện cai nghiện; điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone; tư vấn các biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú, biện pháp phòng, chống tái nghiện, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng...
Điểm khác biệt là, theo mô hình mới, tất cả các cơ sở đều chuyển sang mô hình cai nghiện đa chức năng, thay vì có một số cơ sở tập trung chuyên sâu cho chức năng cai nghiện bắt buộc hay tự nguyện. Đáng chú ý, Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội, đóng tại phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) chuyển đổi từ mô hình cai nghiện tự nguyện sang mô hình đa chức năng.
Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, đóng tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì) tiếp nhận thêm một số nhóm đối tượng đặc thù, gồm người nghiện ma túy là nữ, học viên từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Ngoài ra, cơ sở này còn tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội bị nhiễm HIV/AIDS.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đàm Thị Minh Thu ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung, điều trị cai nghiện ma túy nói riêng. “Với tinh thần chủ động đổi mới, không ngừng sáng tạo cùng sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, tôi tin rằng, thành phố Hà Nội có thể đấu tranh, phòng ngừa ma túy từ sớm, từ xa; đồng thời đón nhận nhiều hơn những tin vui trong hành trình hỗ trợ, can thiệp nhằm giảm tác tại do ma túy”.
Để nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam giao nhiệm vụ cho Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội bám sát các chỉ đạo của trung ương và thành phố, tích cực tham mưu xây dựng và triển khai các chính sách mới, tập trung cho việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ sở cai nghiện ma túy cần chủ động đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị cai nghiện, hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng...
Tiếp nhận ý kiến chỉ đạo, đại diện cho các đơn vị, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội Phạm Đình Giang khẳng định, mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn Hà Nội luôn tập trung cho mục tiêu xây dựng môi trường điều trị cai nghiện an toàn, thân thiện, hiệu quả, hướng tới xây dựng đơn vị cai nghiện với mô hình mẫu dẫn đầu cả nước.