Hà Nội: Xây dựng mô hình toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo kế hoạch, toàn thành phố phấn đấu mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nắm chắc được cách thức sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu, phương pháp, kỹ năng xử lý sự cố cháy ban đều, kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Các cơ quan chức năng thành phố cũng tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phấn đấu mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện cứu nạn, cứu hộ cần thiết (xà beng. kìm cộng lực, mặt nạ lọc độc, đèn pin...). Đáng chú ý, thành phố sẽ duy trì, xây dựng, nhân rộng mô hình toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, mô hình phải triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động đồng bộ theo chỉ tiêu của Bộ Công an (hoàn thành trước ngày 20/6/2023) gồm: Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; điểm chữa cháy công cộng.
Mô hình triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương (hoàn thành trước ngày 15/12/2023), gồm: Khu chung cư, tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy; cụm liên kết làng nghề an toàn; cụm liên kết an toàn trong khu, cụm công nghiệp; cụm liên kết an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng.
Để làm tốt các nội dung trên, thành phố huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và người dân cùng chung tay vào cuộc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cơ quan quản lý nhà nước các cấp, người đứng đầu phải phát huy được vai trò, trách nhiệm, tâm huyết, nhiệt tình từ UBND cấp huyện, UBND cấp xã, lực lượng công an, dân phòng, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố và các đoàn thể chính trị - xã hội.
UBND thành phố cũng lưu ý, việc lựa chọn, xây dựng các mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; phải phát huy thực sự có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” khi có cháy, nổ xảy ra. Huy động và sử dụng các nguồn lực xã hội hóa từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đầu tư, trang bị phương tiện trong việc xây dựng các mô hình trên địa bàn.