Hà Nội xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao

Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ (NNHC) bước đầu cho hiệu quả đáng ghi nhận, vừa phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Xây dựng những mô hình đạt chuẩn

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 2 điểm tại xã Thanh Văn và thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) mô hình thâm canh lúa theo hướng hữu cơ, quy mô 20ha. Cụ thể, 100% diện tích lúa sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng quy trình thâm canh cải tiến, lúa đẻ nhánh và trỗ tập trung.

Mô hình thâm canh lúa theo hướng hữu cơ Mùa 2022 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ánh Ngọc

Quá trình sản xuất, diện tích lúa được sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học thay thế phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Với năng suất sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 57,3 tạ/ha, mô hình dự kiến sẽ được nhân rộng trong năm 2023.

Cũng trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ hộ gia đình ông Cao Xuân Trường, ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) áp dụng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP, quy mô 1ha, nuôi cá chép và rô phi.

Với sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ khuyến nông, hộ chăn nuôi tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn từ chăm sóc, quản lý, thu hoạch, hạn chế sử dụng kháng sinh đến sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình xử lý môi trường ao nuôi. Sau khi kiểm nghiệm đạt chuẩn an toàn, mô hình được cấp chứng nhận an toàn VietGAP, làm tiền đề để mô hình chuyển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tạo điều kiện cho sản phẩm thủy sản tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình, ông Cao Xuân Trường cho hay: “Sản phẩm thủy sản nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ có giá trị cao hơn so với nuôi trồng theo quy trình thông thường từ 10 - 20%. Hơn nữa, sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và có thể thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại”.

Mô hình nuôi cá chép theo hướng an toàn sinh học tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc

Mô hình nuôi cá chép theo hướng an toàn sinh học tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ là quá trình dài, đòi hỏi nhiều công đoạn khắt khe từ môi trường đất, nước, không khí đến quy trình chăm sóc của người dân. Do đó, đơn vị hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình khuyến nông VietGAP và theo hướng hữu cơ làm tiền đề để sau 3 - 5 năm sẽ xây dựng các mô hình NNHC đạt chuẩn, chất lượng cao.

Mục tiêu của các mô hình sản xuất an toàn VietGAP nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ cho nông dân để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, nâng cao năng lực canh tác cho nông dân, tăng hiệu quả đơn vị diện tích trên đồng ruộng.

Định hướng sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao

Thực tế đã chứng minh so với sản xuất thông thường, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Ưu việt hơn cả là giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hiện toàn TP có 2.000ha trồng trọt hữu cơ, 10,1 ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Để khuyến khích nông dân áp dụng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có các chương trình hỗ trợ thông qua lồng ghép nguồn vốn chính sách nông nghiệp.

Theo Kế hoạch số 220/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về phát triển sản xuất NNHC giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi.

Thông tin triển khai kế hoạch này, ông Nguyễn Mạnh Phương cho hay: Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất NNHC với quy trình kỹ thuật tiên tiến, được kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về NNHC. Do vậy, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, DN theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu.

Với định hướng sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm NNHC thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương.

Cùng với đó, tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng internet để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ HTX, DN đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu.

Sở tiếp tục tham mưu với TP có chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ, cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh NNHC phát triển ổn định.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-xay-dung-nhieu-mo-hinh-nong-nghiep-huu-co-chat-luong-cao.html