Hà Nội xây dựng thành phố thông minh để phát triển xứng tầm
Hà Nội đã có các cơ chế, chính sách cụ thể làm nền tảng để xây dựng thành phố thông minh, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hà Nội là địa phương có nhiều khu đô thị được quy hoạch thông minh. Song, Hà Nội đang chịu áp lực không nhỏ trong giải bài toán xây dựng thành phố thông minh để phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm Thủ đô. Vì vậy, hội nghị về thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 29-11 được kỳ vọng giúp Hà Nội tìm các câu trả lời hiệu quả nhất.
Xây dựng đô thị thông minh từ quy hoạch thông minh
Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, như dân số đông, gia tăng cơ học nhanh chóng; bất cập hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến cấp, thoát nước…
Tại hội nghị “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nêu vấn đề, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân... là "bài toán" thành phố mong muốn nhận được lời giải từ các chuyên gia, nhà quản lý khi xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Đặc biệt, công nghệ số, chuyển đổi số và dữ liệu số sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình phát triển thành phố thông minh?
Cụ thể hơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Hà Nội đang cần giải quyết rất nhiều "bài toán" liên quan đến dữ liệu số. Khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao, mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được chú trọng đầu tư bài bản. Đây là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới.
Định hướng cho Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị... Để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị. Với các địa phương, phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Ông Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, việc xây dựng đô thị thông minh phải bắt nguồn từ việc quy hoạch đô thị, từ đó, xây dựng cách thức quản lý đô thị thông minh, tiến tới cung cấp các dịch vụ tiện ích, thông minh. Đến thời điểm này, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố đã, đang xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.
Lấy người dân làm trung tâm, hướng đến người dân
Lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là ý kiến của hầu hết chuyên gia. Ông Non Arkaraprasertkul, chuyên gia cao cấp của Cục Xúc tiến kinh tế số Thái Lan chia sẻ, phải mất 5 năm triển khai thành phố thông minh và gặp không ít thất bại, Thái Lan mới nhận ra xây dựng thành phố thông minh cần tập trung vào các cư dân của thành phố, xem người dân thực sự cần gì, hưởng lợi gì, chứ không đơn giản là có tiền, có công nghệ là triển khai thành công thành phố thông minh.
“Người dân cần không khí trong lành, cần nguồn nước uống sạch - đây cũng là hướng đi của nhiều thành phố trên thế giới. Vì vậy, Hà Nội hãy tập trung nâng cao trải nghiệm cuộc sống con người”, chuyên gia Non Arkaraprasertkul khuyến nghị.
Đề cập về mô hình thành phố thông minh đáng sống, ông Alias Rameli, Tổng Giám đốc Bộ Nhà ở và chính quyền địa phương (Malaysia) cũng cho rằng, yếu tố thành công khi xây dựng thành phố thông minh là lấy con người làm trung tâm, là quy hoạch thành phố, chứ không chỉ công nghệ thông minh.
Từ kinh nghiệm triển khai trạm thu phí thông minh tại thủ đô Jakarta (Indonessia), ông Reza Rizki Handaru, Giám đốc vận hành và công nghệ thông tin của Jakarta cho hay, mục tiêu xây dựng, vận hành trạm thu phí đường bộ là để cải thiện chất lượng và bảo đảm an toàn cho người dân. Từ việc thiết kế thu thập dữ liệu số đến vận hành thương mại, hệ thống đã thu thập thông tin, phân tích và đưa ra các cảnh báo về môi trường.
Về quá trình xây dựng đô thị thông minh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA Nguyễn Nhật Quang cho rằng, thành phố cần coi trọng hạ tầng dữ liệu - bộ não của đô thị thông minh. Đối với dữ liệu, tính thống nhất và dùng chung là quan trọng nhất. Nếu dữ liệu của đơn vị nào do đơn vị đó giữ riêng thì không thể trở thành “đô thị thông minh”.
Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA Trương Gia Bình nhấn mạnh, Hà Nội không chỉ xây dựng thành phố thông minh cho chính mình, mà cần trở thành trung tâm sản xuất thiết bị thông minh, cung cấp giải pháp thông minh, cung cấp nguồn nhân lực. Muốn vậy, Hà Nội cần cung cấp không gian rộng mở cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin sáng tạo, phát triển, để chung tay, đồng hành cùng thành phố trong nhiệm vụ này.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ quan điểm, đối với Hà Nội, thành phố lựa chọn cách tiếp cận xây dựng thành phố thông minh bền vững, hành động thực chất vì lợi ích chung trước mắt và vì trách nhiệm mang lại sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai. Đặc tính “bền vững” của thành phố sẽ được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”. Những chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ giúp Hà Nội lựa chọn và tận dụng các cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh, bao trùm, bền vững.