Hà Nội: Xây dựng tiêu chí hướng tới sự phát triển không gian sáng tạo

Nhiều chuyên gia, người thực hành sáng tạo bày tỏ mong muốn các không gian sáng tạo cần được tạo điều kiện tối đa để phát triển thuận lợi, giúp mang lại việc làm và hỗ trợ các ngành nghề sáng tạo phát triển, nâng cao nhân thức trong cộng đồng về các hoạt động sáng tạo và vai trò ngành sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội...

Trên cơ sở rà soát các không gian sáng tạo, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội phối hợp với Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT) vừa tổ chức Hội thảo Tham vấn về Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội, nhằm ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, đại diện không gian, người thực hành sáng tạo về Tiêu chí đánh giá Không gian văn hóa sáng tạo và sự phối hợp, hỗ trợ của các bên liên quan trong hoạt động của các Không gian sáng tạo.

Ông Jonghyu Nam, Quyền trưởng Đại diện UN - HABITAT tại Việt Nam nhìn nhận, các không gian sáng tạo và văn hóa là trung tâm của sự khéo léo và thể nghiệm, thúc đẩy kết nối giữa các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và cộng đồng. Những không gian này không chỉ làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của Hà Nội mà còn tạo cơ hội việc làm, tạo sức sống cho thành phố và xúc tác cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo. Tầm quan trọng của chúng vượt ra ngoài các địa điểm vật lý đơn thuần, làm thay đổi nhận thức về các hoạt động sáng tạo và nhấn mạnh vai trò thiết yếu của ngành công nghiệp sáng tạo trong sự phát triển toàn diện của thành phố.

Khung cảnh Hội thảo Tham vấn về Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội.

Khung cảnh Hội thảo Tham vấn về Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội.

Quyền trưởng Đại diện UN - HABITAT tại Việt Nam đánh giá, mục tiêu hình thành mạng lưới Không gian sáng tạo Hà Nội là một sáng kiến nhằm nuôi dưỡng sự sáng tạo và hiện thực hóa một tương lai đô thị bền vững. Điều này cộng hưởng sâu sắc với Mục tiêu Phát triển Bền vững số 11 của Liên Hợp Quốc - kêu gọi các thành phố và cộng đồng toàn diện, an toàn, kiên cường và bền vững.

Cùng đề cập đến các giá trị tích cực khi tạo dựng một không gian văn hóa sáng tạo bền vững, bà Phạm Thị Thanh Hường, Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhận định, những không gian văn hóa sáng tạo hoạt động tích cực sẽ góp phần gia tăng tính sáng tạo và đổi mới của mọi cá nhân trong cộng đồng, gia tăng những kết nối xã hội có ý nghĩa, tạo ra một cộng đồng gắn kết và sôi động, cải thiện chất lượng cuộc sống. Không chỉ thế, các không gian sáng tạo có thể thu hút doanh nghiệp và khách du lịch, cổ vũ và thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, đại diện không gian, người thực hành sáng tạo bày tỏ mong muốn bộ tiêu chí có thêm các nội dung về việc cơ quan Nhà nước hỗ trợ kết nối giữa các không gian sáng tạo văn hóa với nhau theo thế mạnh từng đơn vị; có sự hỗ trợ, hướng dẫn về pháp lý. Đồng thời, cần bổ sung thêm tiêu chí về sự tương hỗ lẫn nhau từ kinh phí đến việc quảng bá dựa trên thế mạnh của từng không gian...

Một bãi đất bỏ hoang do ô nhiễm rác thải và nước sinh hoạt ở phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được cải tạo thành không gian công cộng đa chức năng... Ảnh: NĐT

Ông Lê Quang Bình (Nhóm cộng đồng Vì một Hà Nội đáng sống) đề xuất cần có tiêu chí về khả năng “phủ sóng” của các không gian sáng tạo tới đa dạng đối tượng thụ hưởng; bổ sung tiêu chí về tính kết nối, hội tụ thế mạnh của các không gian trong khích lệ, nuôi dưỡng cảm hứng, tư duy sáng tạo phục vụ, làm lợi cho cộng đồng.

Trong khi đó ông Vũ Thanh Tùng (Bảo tàng Hồn Đất Việt Bát Tràng), cho rằng cần bổ sung thêm tiêu chí về sự tương hỗ lẫn nhau từ kinh phí đến việc quảng bá dựa trên thế mạnh của từng không gian. Ngoài ra là những cơ chế hỗ trợ cụ thể, thiết thực từ việc cấp phép hoạt động đến bảo trợ về kinh tế…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cũng cho rằng việc xây dựng Bộ tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội là cơ sở để nhận diện các không gian sáng tạo, từ đó kêu gọi các không gian tham gia hình thành, kết nối Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội với Mạng lưới không gian sáng tạo của Việt Nam và trên toàn thế giới. Theo đó, ông đề nghị các bên liên quan tiếp tục hỗ trợ thành phố bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí trên cơ sở các ý kiến đóng góp từ hội thảo sao cho phù hợp, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo điều kiện tối đa cho các không gian phát triển thuận lợi, giúp mang lại việc làm và hỗ trợ các ngành nghề sáng tạo phát triển, nâng cao nhân thức trong cộng đồng về các hoạt động sáng tạo và vai trò ngành sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Dự án Nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân hình thành trên bãi đổ rác tự phát chân cầu Long Biên: biến bãi rác thành nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật hấp dẫn an toàn cả ngày lẫn đêm. Ảnh tư liệu

Kết quả rà soát các không gian sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, hiện nay có 124 không gian sáng tạo, trong đó 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân.

6 không gian công cộng, 21 không gian văn hóa di sản/ sáng tạo, 10 không gian giáo dục; 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 16 doanh nghiệp sáng tạo, 24 không gian nghệ thuật, 4 không gian trực tuyến; 24 không gian sáng tạo bao gồm: thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung.

BTV

Theo Tiêu chí đánh giá Không gian văn hóa sáng tạo, khi tham gia Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội, các thành viên sẽ được cấp chứng nhận thành viên, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định; hỗ trợ kết nối công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của không gian trên hệ thống trang chính thức Thành phố sáng tạo Hà Nội.

Hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp phép theo quy định đối với những hoạt động của đơn vị tham gia trong mạng lưới, khuyến khích hỗ trợ tổ chức các hoạt động có sáng tạo hình thành nên những tác phẩm mới có giá trị; hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp phép quảng cáo theo quy định.

Tham gia các hoạt động của Mạng lưới sáng tạo thành phố Hà Nội, kết nối hoạt động của các thành viên trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực và quốc tế; hàng năm hỗ trợ một phần kinh phí (theo dạng hỗ trợ dự án) để triển khai các hoạt động sáng tạo tiêu biểu, có giá trị sáng tạo cao, có ảnh hưởng đến cộng đồng… trên cơ sở đề xuất của các không gian sáng tạo và được hội đồng chuyên gia đánh giá.

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã; các đơn vị liên quan bố trí địa điểm và hỗ trợ điều kiện để tổ chức các hoạt động sáng tạo văn hóa tại các không gian tuyến phố đi bộ, các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử văn hóa phù hợp…trên cơ sở đề xuất của các không gian văn hóa sáng tạo.

Được đề xuất, giới thiệu tham gia các hoạt động của trong hệ thống mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO của các nước thành viên.

Hàng năm Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đánh giá, khen thưởng cho đơn vị, tổ chức và cá nhân đã có nhiều hoạt động và đóng góp trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, trường hợp có thành tích xuất sắc sẽ đề xuất khen thưởng cấp thành phố.

Tin, ảnh: Thạch Thảo

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/xay-dung-tieu-chi-huong-toi-su-phat-trien-khong-gian-sang-tao-41188.html