Hà Nội xây dựng trường học hạnh phúc bằng nhiều mô hình sáng tạo
Một trường học hạnh phúc là khi học sinh đến trường không chỉ là một bậc thang trong hành trình học tập, mà còn là cơ hội để khám phá bản thân và xây dựng những kỷ niệm đẹp với thầy cô, bạn bè.
Ngày 19/10, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức phát động thi đua xây dựng “Trường học hạnh phúc” năm học 2024 - 2025. Chương trình này góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thành phố học tập do UNESCO công nhận.
Nhằm đẩy mạnh thi đua xây dựng Trường học hạnh phúc trong ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm học 2024-2025, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” và Chỉ thị số 30 -CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”; nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hạnh phúc, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành, thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc cho các trường mầm non, phổ thông. 15 tiêu chí trong bộ tiêu chí bám sát theo các nội dung trọng tâm của UNESCO, đó là: Học sinh là trung tâm; khuyến khích sự phát triển toàn diện; tạo môi trường an toàn và thân thiện; xây dựng mối quan hệ tích cực; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và phát triển kỹ năng sống.
Theo đó, các nhà trường đã rất tích cực hưởng ứng xây dựng Trường học hạnh phúc bằng nhiều mô hình sáng tạo, như xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; đổi mới phương pháp dạy học; bồi dưỡng, phát triển kỹ năng, nghiệp vụ cho giáo viên, nhân viên; tạo nhiều sân chơi đổi mới, sáng tạo cho học sinh...
Lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mong muốn bên cạnh các tiêu chí về môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, các nhà trường sẽ tổ chức tốt việc thực hiện quy chế dân chủ, lan tỏa sự yêu thương, chia sẻ, tôn trọng, giúp đỡ đồng nghiệp, yêu thương học sinh để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thầy cô hạnh phúc và học sinh hạnh phúc.
Tại Trường học hạnh phúc, thầy cô giáo là những người dẫn dắt, người truyền cảm hứng cho học sinh. Các thầy cô cần thiết kế những giờ học thú vị, để học sinh được tiếp thu kiến thức, kỹ năng, được bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Đối với học sinh, mỗi ngày đến trường không chỉ là một bậc thang trong hành trình học tập, mà còn là cơ hội để khám phá bản thân và xây dựng những kỷ niệm đẹp với thầy cô, bạn bè.
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục của UNESCO Việt Nam nhấn mạnh: Phong trào Trường học hạnh phúc do Sở GD-ĐT Hà Nội phát động phù hợp với khuôn khổ toàn cầu của UNESCO về Trường học hạnh; thúc đẩy giáo dục toàn diện, công bằng và chất lượng cho tất cả mọi người, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc về Giáo dục.