Hà Nội: Xe hợp đồng giả xe buýt vô tư vào nội đô 'vợt' khách
Các xe hợp đồng sử dụng màu sơn giống hệt xe buýt, luồn lách vào nội đô Hà Nội, dừng đỗ mọi nơi đón trả khách.
TTGT quận Long Biên dừng kiểm tra xe khách hợp đồng có màu sơn giống xe buýt vận chuyển khách không có hợp đồng
Hành khách lên nhầm xe, ngoài việc phải chịu mức giá cao hơn, hoạt động của những chiếc xe buýt giả cũng gây xáo trộn hoạt động vận tải.
Thật giả lẫn lộn
Những ngày đầu tháng 12, PV Báo Giao thông có mặt tại nút giao thông Khuất Duy Tiến - Big C (Hà Nội) và ghi nhận có những phương tiện sơn màu trắng - vàng - đỏ, màu xanh giống y hệt xe buýt nhưng nhìn kỹ trên xe không lắp ghế xe buýt, không có hệ thống tay cầm…
Phía kính trước những xe còn có tên nhà xe, như xe màu trắng - vàng - đỏ BKS 29B - 505.5x ghi phía sau “Cổ Đô - Yên Nghĩa” nhưng phía trước lại ghi nhà xe Phi Hoàng; hay xe BKS 89B - 011x giống y xe buýt, thành xe ghi lộ trình: “TP Hưng Yên - Văn Giang - Big C - Mỹ Đình - Yên Nghĩa”, nhưng trên đầu xe lại ghi nhà xe Thái Đăng Long.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đây đều là các xe hợp đồng sơn màu như xe buýt để dễ dàng đón, bắt khách trong nội đô. Các xe “giả buýt” này còn xuất hiện trên một số tuyến đường như Phạm Hùng - Hồ Tùng Mậu, Cổ Linh - Xuân Quang, Bến xe Giáp Bát - Văn Giang… Đây là các xe hợp đồng nhưng vận chuyển khách hàng ngày theo tuyến đường và cung giờ cố định.
Ông Nguyễn Văn Tú (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) ngồi chờ xe khách ở khu vực cổng chợ Long Biên cho biết, ông thường đi một chiếc xe “giả buýt” từ Bắc Ninh về khu vực Gia Lâm, Long Biên.
Khách lên xe thì phụ xe sẽ thu tiền tùy theo quãng đường di chuyển ngắn dài của khách, thông thường là 20 - 40 nghìn đồng/người. “Xe này vẻ bề ngoài giống xe buýt nhưng chạy nhanh hơn vì chỉ đón, trả khách ở vài điểm. Tuy nhiên, giá vé đắt hơn xe buýt”, ông Tú cho hay.
Thượng úy Vũ Cường, Phó đội trưởng Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) xác nhận, có thực trạng xe khách hợp đồng giả hình dáng xe buýt để bắt khách. Chỉ trong 1 tuần gần đây, đơn vị đã xử lý gần 50 trường hợp ô tô chở khách vi phạm, trong đó có xe khách hợp đồng màu sơn giống xe buýt.
Một TTGT quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) cũng xác nhận, quá trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, đơn vị cũng đã từng xử lý xe hợp đồng “giả buýt” với lỗi đỗ dừng, đón trả khách không đúng nơi quy định.
Bắt xe buýt giả, GPLX của tài xế không hợp lệ
Hành khách trên xe giả buýt BKS 29B-152.00 xuống xe để bắt xe khác tiếp tục hành trình
PV Báo Giao thông đi theo một xe 34 chỗ có màu sơn trắng - vàng - đỏ y hệt xe buýt, trên đầu xe ghi chữ Hà Nội, có BKS 29B-152.00 từ đường đê Long Biên - Xuân Quang, đi sang cầu Chương Dương rẽ phải rồi vào trạm trung chuyển xe buýt trước cổng chợ Long Biên, trả khách.
Sau đó xe này về bãi Phúc Xá thuộc địa bàn quận Ba Đình (TP Hà Nội) đỗ ở đây chờ khách, rồi quay trở lại huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Dù có vẻ bề ngoài giống xe buýt, nhưng chiếc xe này cũ kỹ hơn, xe không dừng ở tất cả các điểm buýt trên tuyến mà chỉ dừng ở vài điểm, mỗi lần dừng cũng lâu hơn.
Sáng 1/12, từ tin báo của PV Báo Giao thông, Tổ công tác thuộc Đội TTGT quận Long Biên (Sở GTVT Hà Nội) đã tuần tra khảo sát địa bàn dọc tuyến đường Cổ Linh (quận Long Biên) và dừng xe 34 chỗ BKS 29B-152.00.
Khi bị Tổ công tác dừng xe, nữ chủ xe liên tục gọi điện thoại nhờ “cứu viện” nhưng bất thành. Tài xế điều khiển xe này là Đào Mạnh T. (SN 1968, ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) chỉ xuất trình được GPLX hạng D, trong khi GPLX hạng phù hợp là E. Trên xe có rất nhiều hàng hóa và hơn chục hành khách đều không có trong danh sách mà lái xe xuất trình.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đã thông báo cho chủ xe và hành khách trên xe biết, đồng thời yêu cầu nhà xe bắt xe cho hành khách tiếp tục lộ trình, còn chiếc xe bị tạm giữ.
Riêng tài xế bị lập biên bản với các lỗi: Đỗ xe nơi có biển cấm đỗ xe; Điều khiển vận chuyển hành khách theo hợp đồng không mang theo hợp đồng vận chuyển theo quy định; Để hàng hóa trong khoang chở hành khách; Có GPLX nhưng không hợp lệ với loại xe đang điều khiển.
Tổng mức phạt đối với trường hợp “giả buýt” này là trên 29 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước phù hiệu xe hợp đồng 2 tháng.
Cùng ngày, tại nút giao thông Phạm Hùng - Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), Tổ công tác Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) dừng xe ô tô BKS 29B-020.33 có màu sơn giống xe buýt chạy tuyến Sơn Tây - Đá Chông - Ghẹ.
Tài xế Lưu Mạnh Cường (SN 1970, ở xã Thanh Mỹ, TX Sơn Tây, TP Hà Nội) xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến người lái và phương tiện, đồng thời thừa nhận đây là xe hợp đồng sơn màu giống xe buýt.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại úy Nguyễn Hoàng Ninh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, các xe “giả buýt” thường lưu thông ở tuyến QL32 đi TX Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... “Các xe này thường là xe hợp đồng, nếu phát hiện đón trả khách sai quy định thì sẽ bị xử lý, thậm chí tước phù hiệu”, Đại úy Ninh nói.
Theo thống kê của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, từ 1/10 - 30/11, lực lượng Thanh tra GTVT đã kiểm tra, lập biên bản 2.043 trường hợp, phạt tiền gần 3,9 tỷ đồng, tạm giữ 45 phương tiện, tước GPLX 358 trường hợp. Hành vi vi phạm chủ yếu: Dừng, đỗ sai quy định; Đón, trả khách không đúng nơi quy định; Không có hợp đồng, danh sách hành khách theo quy định. Trong số các trường hợp vi phạm trên, có 5 trường hợp xe ô tô có màu sơn giống xe buýt (đỏ, vàng, trắng) vi phạm đón trả khách tại các điểm nhà chờ, điểm dừng, đón, trả khách dành riêng cho xe buýt, phạt tiền 6 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 2 tháng đối với 4 lái xe trên.