Hà Nội: Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
UBND thành phố Hà Nội đề nghị xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thông báo công khai vi phạm của đơn vị để xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người.
Thời gian gần đây, trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản.
Nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng biện pháp, phê duyệt phương án an toàn lao động. Công tác tuyên truyền, tập huấn không thường xuyên, liên tục, không sát nhiệm vụ công việc của người lao động.
Nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động xảy ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị, các Sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã, Tổng công ty, đơn vị, doanh nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Là cơ quan thường trực Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời, thông báo công khai vi phạm của đơn vị để xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người trên phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân nhận thức việc phải tuân thủ pháp luật an toàn, vệ sinh lao động.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung thanh tra, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; quản lý, sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; ngành nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; đánh giá, chứng nhận sản phẩm hàng hóa nhóm 2; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Đặc biệt, kịp thời điều tra, xử lý hành vi vi phạm; kiến nghị cơ quan Công an khởi tố hình sự đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động chết người, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.
Công an thành phố thường xuyên tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với đơn vị, doanh nghiệp có nguy cơ cháy, nổ; phổ biến, hướng dẫn thoát nạn cho người dân đang sinh sống tại tòa nhà, khu chung cư cao tầng, khu tái định cư, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà trọ.
Công an các quận, huyện, thị xã thực hiện đúng Quy chế phối hợp điều tra các vụ tai nạn nghiêm trọng chết người theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ; Quy chế số 700/QCPH-CAHN-SLĐTBXH-VKSND ngày 13/2/2018 giữa Công an thành phố Hà Nội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phối hợp trong việc điều tra, giải quyết các vụ tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm xảy ra; điều tra, khởi tố vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.Các Sở, ngành: Y tế, Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên đoàn Lao động... chỉ đạo đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên thanh, kiểm tra đảm bảo thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Công điện của Thủ tướng về an toàn, vệ sinh lao động. Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thường xuyên triển khai tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động, quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia an toàn trong thi công xây dựng, điện, hóa chất, y tế lao động, trong quản lý sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Kiểm tra, phối hợp kiểm tra chuyên đề, đột xuất đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều nguy cơ gây mất an toàn, đặc biệt là công trình xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà dân, đơn vị sử dụng nhiều máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; xử lý nghiêm vi phạm.
Các địa phương rà soát việc cấp phép, quản lý, vận hành công trình vui chơi công cộng có sử dụng trò chơi tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo, cơ sở sản xuất nước đá sạch sử dụng hệ thống lạnh, cơ sở sử dụng nồi hơi, thiết bị áp lực…
Ngoài ra, thực hiện khai báo, báo cáo định kỳ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra.
Các Tổng công ty và đơn vị, doanh nghiệp rà soát, hoàn thiện hồ sơ quản lý về an toàn, vệ sinh lao động; thành lập, kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động; quan tâm đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy, thiết bị, cải thiện điều kiện lao động và có biện pháp xử lý kịp thời các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn lao động...
Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động cùng nhiệm vụ chăm lo, hỗ trợ người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.