Hà Nội yêu cầu chống lãng phí với trụ sở làm việc dôi dư

UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý, khai thác các tài sản công, trụ sở làm việc dôi dư, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, góp phần chống lãng phí, thất thoát, tăng cường khai thác nguồn lực từ tài sản công.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 217/UBND-KTTH về việc thực hiện Công điện số 125/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực quản lý tài sản công.

 Hà Nội yêu cầu khai thác hiệu quả tài sản công, trụ sở làm việc

Hà Nội yêu cầu khai thác hiệu quả tài sản công, trụ sở làm việc

Để kịp thời xử lý, khai thác các tài sản công, trụ sở làm việc dôi dư, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, góp phần chống lãng phí, thất thoát, tăng cường khai thác nguồn lực từ tài sản công, UBND thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ tưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý khẩn trương, quyết liệt trong việc giải quyết đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản công khác dôi dư theo đúng quy định, công khai, minh bạch.

Thứ nhất, đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản công khác chưa có quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền:

Khẩn trương rà soát, lập phương án xử lý đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản công khác, tập trung vào các trường hợp dôi dư không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch, xác định giá đất, thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Tài chính trong quá trình báo cáo UBND Thành phố phê duyệt hoặc tham gia ý kiến với Bộ ngành Trung ương về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố.

Sở Tài chính chủ trì, đôn đốc đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố tham gia ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý theo thẩm quyền và quy trình quy định, đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Thứ hai, đối với các cơ sở nhà, đất thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu UBND Thành phố quyết định thu hồi để xử lý đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, không thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm dẫn tới chậm xử lý nhà, đất công, gây lãng phí, thất thoát.

Thứ ba, đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản công khác đã có quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền:

Tổ chức thực hiện xử lý tài sản theo đúng thời hạn quy định, đặc biệt lưu ý việc bàn giao, tiếp nhận tài sản công đã có quyết định thu hồi, chuyển giao, điều chuyển, thực hiện bán, chuyển nhượng tài sản.

Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp có quyết định thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý thì khẩn trương tiếp nhận, lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án xử lý, khai thác theo quy định của pháp luật.

Đối với tài sản công khác thuộc trường hợp không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ quy định để thực hiện.

Định kỳ ngày 20 tháng cuối quý trong năm 2025, các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND quận, huyện, thị xã báo cáo kết quả sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư (nếu có) với UBND Thành phố (thông qua Sở Tài chính).

Thứ tư, công tác tổ chức thực hiện xử lý tài sản công trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt được thực hiện theo quy định của pháp luật về tài sản công, hướng dẫn của bộ, ngành liên quan. Định kỳ ngày 20 tháng cuối quý trong năm 2025, các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND quận, huyện, thị xã có cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp, tinh gọn bộ máy báo cáo kết quả sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư (nếu có) với UBND Thành phố (thông qua Sở Tài chính).

Thứ năm, về công tác kiểm tra: Thường xuyên kiểm tra, rà soát các tài sản công, trụ sở được giao để kịp thời phát hiện tài sản công không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục địch để đưa vào xử lý, khai thác theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm hành vi sử dụng xe ô tô công, tài sản công vào các mục đích cá nhân, trái với quy định của pháp luật, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, sự kiện quan trọng.

Từ ngày 1/1/2025, Hà Nội chính thức vận hành bộ máy mới sau khi sắp xếp 109 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, hình thành 56 ĐVHC cấp xã mới (33 xã, 23 phường), giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã (38 xã, 15 phường) so với hiện nay. Sau sắp xếp thành phố dôi dư 831 cán bộ và hơn 90 trụ sở công.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-yeu-cau-chong-lang-phi-voi-tru-so-lam-viec-doi-du-post331332.html