Hạ tầng - công nghệ - pháp lý: Ba trụ cột logistics bền vững

Khi logistics trở thành mũi nhọn kinh tế, hạ tầng, công nghệ và pháp lý phải là ba chân kiềng, ba trụ cột giữ thế ổn định, phát triển dài hạn.

5 rào cản lớn

Phát biểu tại Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” do Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 24/4, ông Nguyễn Văn Minh - Tổng Biên tập Báo Công Thương nhấn mạnh, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” do Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 24/4. Ảnh: Cấn Dũng

Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” do Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 24/4. Ảnh: Cấn Dũng

Dẫn số liệu của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Minh cho biết, tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô thị trường năm 2024 ước tính trên 45 tỷ USD. Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines). Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, để hướng tới một ngành logistics phát triển bền vững và hiện đại, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Theo Tổng Biên tập Báo Công Thương, một số thách thức đối với ngành logistics là:

Thứ nhất, chi phí logistics còn cao, dao động từ 16 - 20% GDP, cao hơn trung bình toàn cầu, đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thứ hai, là cơ sở hạ tầng logistics còn thiếu tính liên kết, thiếu trung tâm logistics cấp vùng và quốc gia; chưa hình thành được mạng lưới kho bãi, cảng cạn, cảng trung chuyển hiện đại.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ số còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp logistics, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có đủ nguồn lực để đầu tư vào chuyển đổi số.

Thứ tư, là nguồn nhân lực logistics thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển theo hướng chuyên nghiệp, quốc tế hóa.

Thứ năm, tác động của biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển xanh đang đặt ra áp lực rất lớn, đòi hỏi logistics phải thay đổi căn bản để giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng và hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Văn Minh - Tổng Biên tập Báo Công Thương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng

Ông Nguyễn Văn Minh - Tổng Biên tập Báo Công Thương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng

Muốn vươn xa phải “xanh” và “số”

“Trước những yêu cầu đó, Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai nhiều chiến lược, đề án, chính sách để tạo điều kiện cho ngành logistics phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Báo Công Thương, nổi bật có thể kể đến như: Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn 2045 đang được Bộ Công Thương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; trong đó mục tiêu đến năm 2035, đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 - 8%; tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ logistics hằng năm đạt 15 - 20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 70 - 80%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 12 - 15% GDP; 80% doanh nghiệp logistics sử dụng các giải pháp chuyển đổi số; 30% số phương tiện của doanh nghiệp logistics chuyển sang sử dụng năng lượng xanh; 70% người lao động trong ngành logistics được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Cùng đó là Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; trong đó mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, cụ thể như: logistics xanh, sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải, ưu tiên vận tải đa phương thức, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông,… là một hợp phần quan trọng.

“Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, trong đó logistics được xem là hạ tầng thiết yếu để đảm bảo tối ưu hóa quá trình từ sản xuất, kinh doanh đến trải nghiệm người tiêu dùng, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử”, ông Nguyễn Văn Minh thông tin.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp logistics hàng đầu trong và ngoài nước. Ảnh: Cấn Dũng

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp logistics hàng đầu trong và ngoài nước. Ảnh: Cấn Dũng

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang tích cực phát triển logistics thông minh, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), blockchain, dữ liệu lớn (big data)vào hoạt động logistics từ dự báo nhu cầu, quản lý tồn kho, vận hành kho bãi, theo dõi vận chuyển đến chăm sóc khách hàng và thanh toán điện tử.

Khẳng định rằng, ngành logistics đang chuyển dịch từ logistics truyền thống sang logistics số và logistics xanh. Và kỷ nguyên 4.0 chính là cơ hội để logistics Việt Nam vươn lên một tầm cao mới. Nhưng để tận dụng được cơ hội đó, Tổng Biên tập Báo Công Thương cho rằng, cần có nỗ lực tổng thể, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Từ hoạt động thực tiễn ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương và kinh nghiệm được rút ra, lãnh đạo Báo Công Thương đề nghị các đại biểu đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tiếp tục đối thoại, thảo luận, chia sẻ với các Bộ, ngành, địa phương, đối tác có liên quan về những ý tưởng, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả để phát triển bền vững ngành logistics.

Bên cạnh đó, tập trung thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi số trong logistics, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ logistics, phát triển các trung tâm logistics ứng dụng công nghệ hiện đại đáp ứng các tiêu chí để thúc đẩy ngành logistics hiện đại, thông minh, xanh và bền vững.

Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” nhằm thảo luận các vấn đề cốt lõi để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững, bao gồm: Chuyển đổi số, logistics xanh, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức, phát triển kho thông minh, và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, blockchain vào tối ưu chuỗi cung ứng. Đây là sự kiện chuyên ngành quan trọng, góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách và kết nối hợp tác giữa cơ quan quản lý – doanh nghiệp – tổ chức trong nước và quốc tế.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-tang-cong-nghe-phap-ly-ba-tru-cot-logistics-ben-vung-384679.html