Hạ tầng giao thông Nam Bộ: Vẫn là bài toán khó!
Tiềm năng lớn nhưng rủi ro cũng nhiều, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế khiến giao thông khu vực Nam Bộ vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Tại hội thảo "Hạ tầng giao thông Nam Bộ: Vấn đề và giải pháp", tổ chức tại TP HCM ngày 29-6, hầu hết các ý kiến đều cho rằng hạ tầng giao thông hiện hữu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
TP HCM cần là "nhạc trưởng"
Theo nhóm nghiên cứu của ĐHQG TP HCM, hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) tại Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng vẫn là điểm yếu nhất trong số 6 chỉ tiêu logistics. Riêng khu vực Nam Bộ, hệ thống đường bộ hiện nay quá tải ở hàng loạt trục đường chính, trong khi nhiều dự án mới chỉ nằm ở mức quy hoạch. Đường thủy có nhiều tiềm năng, song không được đầu tư tương xứng. Riêng đối với hàng không, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), hiện trong tình trạng quá tải, trong khi những sân bay khác như Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá lại không khai thác hết công suất. Vấn đề này thể hiện sự hạn chế trong dự báo và chất lượng quy hoạch.
Theo TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP HCM, dù tiềm năng và nhu cầu đầu tư tại khu vực Nam Bộ rất lớn, tuy nhiên rủi ro cũng nhiều và liên quan không ít các cơ chế chính sách, thủ tục... Vì vậy, những rủi ro đó nếu không được kiểm soát thì khó thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, do hiện nay không có khâu đánh giá sau dự án, dẫn đến thực trạng nhiều dự án trước khi triển khai được dự báo quá "lạc quan" rồi lúc thực hiện bị nhiều hệ lụy như đội vốn, kéo dài thời gian điều chỉnh... TS Dương Như Hùng cũng cho rằng khu vực Nam Bộ cần có một "nhạc trưởng" và TP HCM là phù hợp. Tuy nhiên, TP HCM hiện thiếu nguồn lực, trong khi cơ chế tài chính còn hạn chế. Do đó, ông đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách TP được giữ lại để phục vụ phát triển vùng.
TS Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - Bộ GTVT, cho rằng chỉ tính nhu cầu thực hiện theo quy hoạch, khu vực Nam Bộ cần nguồn vốn rất lớn, vì vậy cần xác định những nhóm dự án nào dùng nguồn vốn từ nhà nước là chủ đạo và nguồn vốn xã hội hóa. Theo ông Mười, để giải quyết các "nút thắt" về hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ, ngoài tiếp tục thực hiện nhanh các dự án theo quy hoạch, cần đề xuất các dự án đầu tư của ngành GTVT. Trong đó, việc bố trí vốn kịp thời và cơ chế thu hút nhà đầu tư được xem là điều kiện tiên quyết.
Phải ưu tiên nguồn lực
Đánh giá về thực trạng hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết hành lang pháp lý cùng cơ cấu tổ chức hiện còn nhiều bất cập, trong khi việc đầu tư theo quy hoạch trước đây không đồng bộ. Vì vậy, những giải pháp đưa ra, theo ông Đông, cần đi vào cụ thể và có định hướng chi tiết để có phương án gỡ vướng. Còn theo ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong đầu tư các dự án cần có tư vấn phản biện độc lập bởi thực tế đã chứng minh hiệu quả của cách làm này tại một số dự án.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm nhìn nhận hạ tầng kết nối giữa TP HCM và ĐBSCL dù được cải thiện nhưng vẫn thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra, đặc biệt là các dịp lễ, Tết. Hoạt động vận tải hàng hóa giữa doanh nghiệp vận tải, giữa các địa phương chưa tạo thành mạng lưới thông suốt nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Trước nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo, ông Lê Thanh Liêm cho biết sẽ rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch GTVT nhằm đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng. Bên cạnh đó, TP sẽ khai thác triệt để năng lực hạ tầng hiện hữu, đầu tư đồng bộ các công trình cấp thiết và phối hợp với các địa phương trong vùng, ưu tiên các dự án trọng điểm kết nối... Tuy nhiên, TP HCM kiến nghị trung ương nhanh chóng xây dựng và ban hành luật đầu tư đối tác công tư cũng như bổ sung, sửa đổi luật đầu tư công. Bên cạnh đó, trung ương cần ưu tiên, huy động đa dạng nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là đối với các dự án có vai trò động lực, liên kết vùng. "Với những tiềm năng sẵn có, việc quan tâm đầu tư, việc phát triển giao thông kết nối giữa TP HCM và khu vực miền Đông, miền Tây Nam Bộ sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Tư nhân hưởng lợi chính ở nhiều dự án giao thông
Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng tại nhiều dự án giao thông sau khi được đầu tư, tư nhân hưởng lợi rất lớn, còn vai trò của nhà nước rất hạn chế. Hạ tầng giao thông gắn liền với việc sử dụng đất và giá trị bất động sản, do đó cần cơ chế khai thác lại để phát triển kinh tế thị trường và nguồn vốn đầu tư các dự án khác.