Hạ tầng giao thông tạo nền tảng phát triển kinh tế
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã khẳng định nhiệm kỳ tới sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị đó là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Để làm được điều này, phát triển hạ tầng giao thông là ưu tiên hàng đầu làm nền tảng và tạo động lực cho phát triển 3 trụ cột kinh tế.
Ngày 30/4, tuyến đường Hàm Kiệm – Tiến Thành vừa thông xe đã có hàng trăm ô tô của khách du lịch từ các tỉnh thành Bình Phước, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh... lưu thông từ cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vào để đi về khu du lịch mới nổi Novaworld và La Gi. Tuyến đường Hàm Kiệm – Tiến Thành dù chỉ có mức đầu tư vừa phải so với các tuyến đường khác, nhưng có tầm quan trọng là kết nối liên vùng, từ điểm nối cao tốc ở điểm đầu quốc lộ 1 (xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam) nối bùng binh ĐT719B nối Tiến Thành (Phan Thiết) và vận hành vào La Gi…
Du lịch Bình Thuận 2 năm trở lại đây có mức tăng trưởng mạnh và mang tính đột phá nhờ nhiều yếu tố khác nhau, từ khâu chỉ đạo tổ chức đến sự vận hành của các cơ sở kinh doanh và trong đó có yếu tố quan trọng là giao thông. Đầu tiên là sự kích cầu từ 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo đến Dầu Giây, rồi đến tuyến đường du lịch ven biển từ Hàm Tân (quốc lộ 55), La Gi kéo dài đến tuyến Hòa Thắng – Hòa Phú - Phan Rí Cửa đã góp phần cho du lịch phát triển. 2 công trình giao thông trọng điểm là ĐT 719, ĐT 719 B kết nối từ cao tốc – quốc lộ 1 kết nối với khu du lịch phía nam tỉnh, tạo thành sự liên thông vùng du lịch cho cả tỉnh, nhất là Hàm Thuận Nam, La Gi, Phan Thiết, Bắc Bình… Bên đường cao tốc là sân bay Phan Thiết đang xây dựng sẽ tạo cho Bình Thuận phần căn cơ hạ tầng, Bình Thuận đã tính tới tạo thêm nhiều “đường dẫn” như đường Hàm Kiệm – Tiến Thành kết nối để giúp giao thông thuận lợi hơn. Vì vậy nhiều năm qua, Bình Thuận luôn chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Khi giao thông được khơi thông thì các doanh nghiệp sẽ thấy điều kiện đủ để rót vốn đầu tư không chỉ du lịch, công nghiệp mà cả nông nghiệp công nghệ cao như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV đề ra…
Bên cạnh 2 tuyến cao tốc đường bộ qua địa bàn tỉnh cho hiệu ứng tốt, Bình Thuận còn có hệ thống giao thông đối ngoại chủ yếu dựa trên 4 tuyến quốc lộ là QL1, QL55 và QL28, QL28B với tổng chiều dài 512,37 km, đường trục ven biển từ La Gi kéo dài đến Phan Rí Cửa (Tuy Phong). Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh dài 181,4 km. Các tuyến đường hiện có hiệu quả mang lại rất rõ rệt, tăng khả năng lưu thông, thời gian đi lại được rút ngắn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng, đảm bảo an toàn giao thông, tạo cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ 2 tuyến cao tốc được thi công các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế đã mạnh dạn rót vốn vào Bình Thuận trên nhiều lĩnh vực như điện năng lượng, du lịch, trồng cây công nghiệp. Ví như trong công nghiệp có Khu công nghiệp Tuy Phong, 5 khu công nghiệp ở Hàm Tân và hàng chục dự án du lịch có thương hiệu đã đầu tư vào Bình Thuận…
Theo Ban Quản lý dự án và xây dựng các công trình giao thông, hiện nay các tuyến đường Sông Lũy – Phan Tiến (Bắc Bình), Mê Pu – Đa Kai (Đa Kai), đường vào sân bay Phan Thiết và nhiều tuyến đường khác trong tỉnh đang thi công sẽ tạo thêm nền tảng vững chắc cho hạ tầng Bình Thuận... Sông Lũy – Phan Tiến là tuyến giao thông huyết mạch đi qua vùng trọng điểm có thế mạnh về sản xuất cây công nghiệp, chế biến của huyện Bắc Bình. Mê Pu – Đa Kai là tuyến đường huyết mạch khu vực phía tây nam của tỉnh, đóng vai trò là cầu nối giao thông từ các huyện Tánh Linh, Đức Linh sang quốc lộ 20 đi Đồng Nai và Lâm Đồng cùng các tỉnh Tây Nguyên. Tân Minh – Sơn Mỹ là tuyến đường kết nối với cao tốc – quốc lộ 1 và các khu công nghiệp Sơn Mỹ…
Các tuyến đường ở Bình Thuận đã và đang thi công đều có ý nghĩa quan trọng với từng vùng, miền bởi tạo được động lực phát triển du lịch, phát triển công nghiệp, cây công nghiệp, nơi thì giúp lưu thông hàng hóa liên vùng, liên tỉnh…