Hạ tầng giao thông - 'xương sống' trong phát triển kinh tế English Edition

Để tạo động lực phát triển KT - XH, thu hút đầu tư, tỉnh Long An đã và đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Giáp với TP.HCM, là cửa ngõ miền Tây Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, cải cách hành chính và lợi thế về địa lý thì kết cấu hạ tầng được xác định là trục động lực, “xương sống” trong thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, FDI.

Hạ tầng giao thông đi trước, dẫn đường cho phát triển

Những năm qua, tỉnh huy động nhiều nguồn lực để tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh triển khai Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp, gồm 14 công trình nằm trên địa bàn các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước với kinh phí đầu tư gần 5.900 tỉ đồng (đa số hoàn thành, đưa vào sử dụng); ngoài ra, còn có 3 công trình giao thông trọng điểm. Các công trình này kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp, Cảng Quốc tế Long An, các tuyến giao thông của TP.HCM.

Đáng chú ý, tuyến Đường tỉnh (ĐT) 830 kết nối các địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc; kết nối các khu, cụm công nghiệp đến hệ thống cảng biển, TP.HCM và các địa phương trong khu vực thông qua tuyến Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương,… Cùng với đó, các tuyến giao thông quan trọng như ĐT825, ĐT823, ĐT826B,... cũng được xây dựng tạo nên một hệ thống giao thông kết nối liên hoàn với nhau.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần IMG Phước Đông - Phan Trung cho biết: Thời gian qua, chính quyền các cấp của tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều dự án (DA) kết nối trực tiếp đến Cảng Quốc tế Long An. Các DA tạo ra sự kết nối thông suốt từ khu, cụm công nghiệp đến cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung, giao thông phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH trong tương lai. Từ nay đến năm 2025, nhiều danh mục DA, công trình giao thông đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025 đã được tỉnh thông qua lộ trình thực hiện với nhiều DA lớn mang tính kết nối liên vùng, phục vụ phát triển KT - XH. Trong Nghị quyết nhiệm kỳ này ở lĩnh vực giao thông, có Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh (8 công trình) và 3 công trình trọng điểm.

Nhiều dự án giao thông kết nối vùng, TP.HCM

Thực hiện Nghị quyết, tỉnh tiếp tục chú trọng đầu tư hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; đồng thời, sẽ triển khai, thực hiện nhiều dự án mới như tuyến đường ĐT830E, ĐT827E, ĐT823D, ĐT822B,… Trong số đó, dự án đường Vành đai TP.Tân An, ĐT830E, ĐT827E là 3 công trình giao thông trọng điểm.

Khởi công Dự án cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây thuộc tuyến đường Vành đai TP.Tân An

Khởi công Dự án cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây thuộc tuyến đường Vành đai TP.Tân An

Thời gian qua, tuyến đường Vành đai TP.Tân An dài 22,4km, đang được thi công đồng loạt. Ngày 11/12/2021, cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây với kinh phí đầu tư gần 570 tỉ đồng được khởi công. Còn DA ĐT827E, dài khoảng 55km, qua tỉnh Tiền Giang, Long An và TP.HCM; riêng đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 35km, qua các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc.

Thời gian qua, 3 địa phương tiến hành xác định hướng tuyến và đang hoàn tất các thủ tục để triển khai đầu tư. Hiện các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng thực hiện DA. Trong khi đó, DA ĐT830E có chiều dài hơn 9,3km, Sở đã thỏa thuận hướng tuyến với các địa phương, lựa chọn nhà thầu tư vấn, kiểm tra phê duyệt phương án khảo sát xây dựng và đang lập DA đầu tư.

Về việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, điểm kết nối với TP.HCM, thời gian qua, 2 địa phương có nhiều trao đổi và xây dựng kế hoạch đầu tư. Đến nay, tỉnh thống nhất làm 6 DA kết nối với TP.HCM. Ngoài ra, từ nay đến năm 2025, Long An và TP.HCM quyết tâm thực hiện 23 DA kết nối với 2 địa phương.

Tháng 12/2021, Sở Giao thông Vận tải khởi công tuyến ĐT823D, dài 14,2km. Đây là trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM. DA có điểm đầu là ranh TP.HCM - Long An (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), điểm cuối là nút giao Quốc lộ N2 (vòng xoay Hậu Nghĩa) với tổng mức đầu tư hơn 1.490 tỉ đồng.

Tiếp theo đó, Long An tiếp tục tiến hành các bước để triển khai, thực hiện các DA: ĐT826E (đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc) dài 1,6km và tuyến đường kết nối dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E, dài 2km.

Long An cũng sẽ khởi công một tuyến đường mới hoàn toàn nằm trong khu quy hoạch Bắc Bến Lức là đường Lương Hòa - Bình Chánh (giáp ranh Bến Lức - TP.HCM) dài 6,2km. DA có điểm đầu là bờ sông Vàm Cỏ Đông, điểm cuối giáp ranh TP.HCM, có tổng mức đầu tư hơn 2.270 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoài Trung đánh giá, các công trình khi hoàn thành sẽ gắn kết với nhau, tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh; đặc biệt, kết nối các khu, cụm công nghiệp quan trọng từ Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến Cảng Hiệp Phước - TP.HCM, Cảng Quốc tế Long An; đồng thời, chuyển hướng lưu thông vận tải ra ngoại thành, góp phần giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1, tạo trục giao thông liên hoàn nối liền các xã, phường; kết nối vùng giữa các huyện, thành phố; tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Các DA trên khi hoàn thành sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị, KT - XH của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư cũng như tạo thuận lợi cho triển khai DA giao thông trọng điểm, đột phá, kết nối vùng, tỉnh sẽ thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư. Tỉnh cũng đặt ra quyết tâm rất cao và có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng./.

“Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, cải cách hành chính và lợi thế về địa lý thì kết cấu hạ tầng được xác định là trục động lực, “xương sống” trong thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, FDI.

Lam Hồng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ha-tang-giao-thong-xuong-song-trong-phat-trien-kinh-te-a128443.html