Hạ tầng kỹ thuật đô thị Thủ đô: Hướng đến đồng bộ với quy hoạch phát triển
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung huy động mọi nguồn lực và phối hợp hiệu quả với một số bộ, ngành trung ương đẩy mạnh đầu tư, giúp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thủ đô từng bước phát triển đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, thực tế còn phát sinh không ít bất cập, cần sớm có định hướng cụ thể để đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật với các quy hoạch phát triển Thủ đô đang được nghiên cứu, xây dựng.
Bất cập trong nhiều lĩnh vực
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, trong những năm qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đủ theo chỉ tiêu quy hoạch, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Điển hình là diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 10,07% đất xây dựng đô thị, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 16-26%.
“Tốc độ đô thị hóa nhanh với sự gia tăng dân số kéo theo "bùng nổ" các phương tiện giao thông cá nhân đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông. Tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân bình quân 11%/năm, trong khi tăng trưởng về chiều dài đường chỉ đạt 3,9%/năm, diện tích mặt đường 0,25%/năm, đặc biệt khu vực trung tâm thành phố gần như không tăng. Các tuyến đường sắt đô thị liên tục bị chậm tiến độ do thiếu vốn và vướng mắc từ các yếu tố kỹ thuật”, ông Lưu Quang Huy phân tích.
Về thoát nước mặt, hiện Hà Nội mới đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu, với diện tích 77,5km2, có thể giải quyết tình trạng ngập úng với những trận mưa có lưu lượng 300mm/2 ngày. Các khu vực khác, như Tả - Hữu Nhuệ, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa nên ngập úng thường xảy ra.
Đối với rác thải, hiện thành phố phát sinh khoảng 7.000 tấn/ngày đêm; trong khi năng lực quản lý, thu gom, xử lý mới đạt khoảng 90%. Công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh, sản xuất phân hữu cơ. Phương pháp đốt chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đến nay, thành phố còn 5 trạm trung chuyển và 15/17 khu xử lý chất thải theo quy hoạch chưa được triển khai hoặc đã xây dựng nhưng chưa hoạt động, dừng hoạt động do lựa chọn công nghệ không phù hợp...
Giải pháp thông minh hóa đô thị
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng, một mặt cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm, mặt khác cần nâng cấp, thông minh hóa hệ thống hạ tầng hiện có trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu điều phối, tổ chức vận hành liên thông một cách hiệu quả nhất, trong đó có sự tham gia của người dân.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực cho rằng, việc thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh không những giảm được chi phí đầu tư xây dựng mà còn tăng hiệu quả sử dụng, vận hành. Sự kết hợp liên thông hỗ trợ và điều phối giữa các hệ thống hạ tầng cũng sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn, kết hợp giữa hệ thống thoát nước với giao thông ngầm; kết hợp giữa thoát nước, xử lý nước thải với thoát nước mặt; tái chế các chất thải rắn, lỏng… làm phân bón hoặc tạo năng lượng.
Muốn thực hiện được điều này, thành phố cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về không gian đô thị và hệ thống thông tin về hạ tầng đô thị, thuộc lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị và các chuyên ngành như giao thông, năng lượng, cấp nước, thoát nước, chất thải, y tế, giáo dục…
Từ góc độ quy hoạch, Thủ đô Hà Nội đang bước vào thời kỳ xây dựng hai quy hoạch lớn, định hình con đường phát triển của Thủ đô trong những năm tới, đó là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Sỹ Động (nguyên Trưởng ban các ngành sản xuất, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thành phố cần quan tâm giải quyết tường tận các “trụ cột” về hạ tầng đô thị như giao thông, rác thải, nước thải, nghĩa trang... ngay trong các quy hoạch quan trọng này.
Đồng tình với quan điểm trên, kiến trúc sư Lê Chính Trực nhấn mạnh, quy mô, định hướng các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật phải thống nhất với quy mô, định hướng của quy hoạch xây dựng chung toàn thành phố Hà Nội, tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch sau này. Việc quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới cần hòa hợp với những khu vực xung quanh, hạn chế tình trạng khu đô thị mới bị biến thành "ốc đảo", thiếu sự liên kết về hạ tầng…