Hạ tầng số Việt Nam phải đủ và phổ cập để phát triển kinh tế số

Muốn phát triển kinh tế số thì phải có hạ tầng số. Hạ tầng số vừa bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Hạ tầng là cái nền cho phát triển. Cái nền thì phải đủ và phải phổ cập.

Báo VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả một số nội dung được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tổng kết và định hướng tại Hội nghị sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, ngày 29/7.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội nghị sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh Lê Anh Dũng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội nghị sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh Lê Anh Dũng.

Về hạ tầng số Việt Nam. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm: 1- Hạ tầng viễn thông và Internet, 2- Hạ tầng dữ liệu, 3- Hạ tầng vật lý-số, 4- Hạ tầng CĐS. Muốn phát triển kinh tế số thì phải có hạ tầng số. Hạ tầng thì phải có cơ sở vật chất của hạ tầng đó và phải cung cấp dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ các hoạt động KT-XH. Hạ tầng là cái nền cho phát triển. Cái nền thì phải đủ và phải phổ cập.

Hạ tầng số Việt Nam bao gồm: 1- Hạ tầng viễn thông (cáp quang, truyền dẫn, trạm phát sóng,...), hạ tầng Internet (Router, DNS,...), 2- Hạ tầng dữ liệu (IDC, Cloud,...), 3- Hạ tầng vật lý-số (số hóa mọi thứ của thế giới thực, mô phỏng nó, tạo ra ánh xạ 1-1 và tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực và thế giới số (IoT để số hóa vạn vật, truyền dẫn IoT, dữ liệu mô phỏng vạn vật (thế giới vật lý có cái cầu thì trong thế giới số có dữ liệu do số hóa cái cầu và phần mềm mô phỏng cái cầu đó dựa trên dữ liệu được số hóa), lưu trữ và xử lý, nhất là xử lý dữ liệu lớn và AI), 4- Hạ tầng CĐS (các Digital Utility: ID số, chữ ký số, thanh toán số, hóa đơn số, chứng thực hợp đồng số, văn bản số).

Hạ tầng viễn thông, Internet, hạ tầng dữ liệu là hạ tầng cứng, hạ tầng vật lý. Hạ tầng vật lý-số thì các sensors, IoT, truyền dẫn, lưu trữ, xử lý dữ liệu là cứng, nhưng bản thân dữ liệu do vạn vật được số hóa và phần mềm mô phỏng vạn vật là phần chính của hạ tầng này thì lại là mềm. Vậy là hạ tầng này vừa cứng vừa mềm. Hạ tầng các Digital Utility phục vụ cho CĐS thì hoàn toàn là mềm (các platform phần mềm). Vậy là, hạ tầng số vừa bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Các lớp của hạ tầng số thì có cái cứng, cái mềm, có cả cái vừa cứng vừa mềm.

Chuyển đổi số thì con người có thêm một không gian nữa để sống, làm việc, sự giàu có và không gian sáng tạo của con người tăng ít nhất là gấp đôi. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Công cuộc lớn nhất của CĐS là số hóa mọi thứ của thế giới thực, mô phỏng nó, tạo ra một ánh xạ 1-1 và tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực và thế giới số. Con người có thêm một không gian nữa để sống, làm việc, sự giàu có và không gian sáng tạo của con người tăng ít nhất là gấp đôi. Có rất nhiều việc thực hiện trên môi trường số thì nhanh, toàn diện và hiệu quả hơn so với trong thế giới thực. Nhưng phải có các công cụ để thực hiện những việc đó, hoặc hỗ trợ thực hiện các việc đó - các Digital Utility). Trên không gian mạng (KGM) thì cũng có hạ tầng như là trong thế giới thực. Hạ tầng trên KGM là các Digital Utility.

Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-tang-so-viet-nam-phai-du-va-pho-cap-de-phat-trien-kinh-te-so-2310738.html