Hạ thân nhiệt mùa lạnh ở người già và cách xử trí

Khi nhiệt độ giảm sâu dễ làm tổn thương nhiều cơ quan và tăng nguy cơ tử vong nhất là đối với người già, người cao tuổi.

Hỏi: Bố tôi năm nay 75 tuổi, vào mùa đông ông dễ bị lạnh chân tay. Tôi cần lưu ý gì để tránh tình trạng hạ thân nhiệt cho bố khi nhiệt độ giảm sâu vào những ngày tới? (Trần Bình M - Lạng Sơn).

Theo BS. Nguyễn Ngọc Định (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương), vào mùa đông, những đợt rét kéo dài có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe với người già trong đó có tình trạng hạ thân nhiệt. Hạ thân nhiệt xảy ra khi cơ thể bị mất nhiệt và số nhiệt độ này vượt quá nhiệt độ cơ thể sản sinh ra. Tình trạng hạ thân nhiệt thường xảy ra ở miền Bắc khi nhiệt độ hạ thấp nhất là ở các tỉnh vùng núi có xuất hiện sương muối, băng giá…

BS. Nguyễn Ngọc Định (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương)

BS. Nguyễn Ngọc Định (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương)

Vì sao người già dễ bị hạ thân nhiệt

Khi thời tiết lạnh và người già không mặc đủ ấm sẽ khiến cơ thể giảm nhiệt độ nhanh. Nếu nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C hoặc thấp hơn có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là các cơ quan nội tạng. Lý do khiến người già thường dễ gặp tình trạng hạ thân nhiệt là vì:

Người già có chế độ dinh dưỡng kém hơn và kèm theo tình trạng lão hóa khiến cơ thể hấp thu kém, ăn không ngon miệng, khó tiêu. Điều này khiến tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng và giảm khả năng miễn dịch.
Người già có khả năng điều chỉnh và kiểm soát nhiệt kém hơn so với người trẻ. Hơn nữa khi càng già con người càng giảm nhạy cảm, cảm giác với nhiệt độ.
Người già thường có một số bệnh lý nền đi kèm như hen phế quản, COPD, đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu…
Một số người già, nhất là ở các khu vực nông thôn hoàn cảnh kinh tế khó khăn thường tiết kiệm việc dùng các thiết bị sưởi ấm hoặc không có đủ điều kiện để giữ ấm cho cơ thể.

Bị hạ thân nhiệt phải làm sao?

Dấu hiệu hạ thân nhiệt

Khi hạ thân nhiệt, ban đầu người bệnh sẽ cảm thấy lạnh và rùng mình. Nếu tình trạng hạ thân nhiệt diễn ra nặng hơn có thể khiến da người bệnh xám lại, môi tím tái và rối loạn nhịp tim… Thậm chí, những trường hợp hạ thân nhiệt nặng có thể bị lú lẫn, nói ấp úng, hành động vụng về…

Một trong những dấu hiệu đầu tiên khi hạ thân nhiệt là da xám lại và môi tím tái.

Một trong những dấu hiệu đầu tiên khi hạ thân nhiệt là da xám lại và môi tím tái.

Cách sơ cứu khi hạ thân nhiệt

Nếu người già gặp tình trạng hạ thân nhiệt, cần ngay lập tức thực hiện các biện pháp sơ cứu sau:

Bước 1: Làm ấm cơ thể bằng cách loại bỏ những tác nhân bên ngoài gây hạ thân nhiệt. Nếu như người già đang mặc quần áo ướt thì cần thay ra và mặc quần áo khô ráo.
Bước 2: Sưởi ấm cho cơ thể bằng cách dùng chăm ấm, đèn sưởi, túi sưởi…
Bước 3: Uống nước ấm hoặc các đồ uống có tính ấm, ăn cháo…

Vào mùa đông người già nên uống đủ nước và ưu tiên nước ấm.

Vào mùa đông người già nên uống đủ nước và ưu tiên nước ấm.

Lưu ý không nên chà sát hay xoa bóp quá mạnh khiến người bệnh bị ảnh hưởng đến ngũ tạng. Nếu sau khi người bệnh nghỉ ngơi và dùng các biện pháp trên không thấy có hiệu quả hay cải thiện thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

Vào mùa lạnh, người già cần lưu ý một số vấn đề sau để hạn chế tình trạng hạ thân nhiệt:

Cần có biện pháp bảo vệ, giữ ấm cho cơ thể để không bị lạnh khi nhiệt độ giảm xuống sâu. Hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ lạnh
Uống đủ nước mỗi ngày, không để tình trạng cảm thấy khát mới uống. Nên ưu tiên uống nước ấm
Duy trì tập luyện thể dục thể thao hàng ngày và nên tập trong nhà, tập khi có đủ nắng ánh, lúc nhiệt độ lên cao để các khớp linh hoạt và giúp làm ấm cơ thể.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gặp vấn đề về sức khỏe.

BS. Nguyễn Ngọc Định

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-than-nhiet-mua-lanh-o-nguoi-gia-va-cach-xu-tri-169241126173357804.htm