Hà Tĩnh: Cắm chốt điểm xung yếu, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, các địa phương đang huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức sơ tán các hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu...
Trước tình mưa lớn kéo dài, huyện Nghi Xuân vừa triển khai di dời 16 hộ dân tại vùng có nguy cơ sạt lở đất tại "ốc đảo" Hồng Lam xã Xuân Giang về nơi an toàn. Trong ảnh: Đồn Biên phòng Lạch Kèn đã điều động cano đưa các hộ dân về tập kết tại trụ sở UBND xã Xuân Giang
Trước đó, lãnh đạo huyện Nghi Xuân cùng Sở Tài nguyên & Môi trường có mặt tại thôn 1 xã Xuân Lam vận động 16 hộ dân di dời đến nơi an toàn. Đến 17 giờ chiều nay, tất cả các hộ dân trong vùng nguy hiểm đã hoàn tất việc di dời.
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân cũng đã đi khảo sát hiện trạng tại đập Đồng Ván (thôn 4 xã Xuân Hồng); khảo sát mực nước tại hồ Khe Chọ (thôn 4 xã Xuân Lĩnh)...
Hiện, khu vực thôn 4 xã Xuân Lĩnh đã bị nước lũ chia cắt cục bộ. Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam đề nghị chính quyền xã Xuân Lĩnh lập rào chắn, cắt cử người túc trực, cấm không cho người và các phương tiện đi vào vùng nguy hiểm.
Ngoài ra huyên Nghi Xuân cũng yêu cầu 2 hộ dân ở xã Xuân Lĩnh và 4 hộ nuôi trồng thủy sản tại hồ Cao Sơn trong chiều 18/10 phải hoàn tất công tác di dời về nơi an toàn.
* Chiều 18/10, lãnh đạo huyện Đức Thọ đã đi kiểm tra tình hình sạt lở tại xã Đức Lạng và xã Hòa Lạc; tình hình mưa lũ tại xã Quang Vĩnh.
Tại xã Đức Lạng, lãnh đạo huyện Đức Thọ đề nghị người dân tập trung theo dõi diễn biến của mưa lũ để có các phương án đối phó; giao UBND xã bố trí người canh gác 24/24h, chuẩn bị nơi ăn nghỉ cho các hộ dân khi sơ tán và sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố xẩy ra.
Lãnh đạo huyện cũng đã tiến hành kiểm tra tình trạng sụt lún đất tại Rú Dầu, xã Hòa Lạc. Theo báo cáo của địa phương thì năm 2014, trên đỉnh Rú Dầu xuất hiện một vết nứt kéo dài hàng trăm mét, rộng gần 1m và có hiện tượng sụt lún mái phải. Từ đó đến nay tình trạng vết nứt càng mở rộng, điều đáng nói là ở dưới Rú Dầu hiện có 7 hộ dân, 19 nhân khẩu đang sinh sống. Bởi vậy, đoàn đề nghị chính quyền địa phương cũng như các hộ dân khẩn trương sơ tán toàn bộ người và tài sản đến nơi an toàn.
Tại xã Quang Vĩnh, đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình ngập lụt tại thôn Tiền Phong, hiện đã bị nước lũ chia cắt, tuyến đường vào thôn đã ngập sâu trên 50cm. Lãnh đạo huyện Đức Thọ yêu cầu xã Quang Vĩnh phải tổ chức rào chắn, tuyệt đối không cho người dân đi vào những nơi ngập sâu; thường xuyên bám nắm tại thôn Tiền Phong để hỗ trợ người dân khi cần thiết.
* Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng cho biết, huyện khẩn trương tổ chức sơ tán ngay các hộ dân, lực lượng vũ trang, kiểm lâm, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng ở các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu đến nơi tránh trú an toàn.
Mực nước sông Ngàn Sâu liên tục lên cao.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, UBND các xã, thị trấn phối hợp với Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng Hương Quang, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức sơ tán ngay các hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu đến nơi tránh trú an toàn.
Khẩn trương rà soát vị trí đóng quân của các đơn vị lực lượng vũ trang, kiểm lâm, Vườn Quốc gia Vũ Quang và sơ tán cán bộ, chiến sỹ ở các vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.
Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa phù hợp để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Trưa nay, các lực lượng chức năng ở xã Đức Liên đến giúp người dân thôn Liên Châu, Hội Trung di dời tài sản đến nơi an toàn.
Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Vũ Quang đã có 3 xã ngập sâu với hơn 600 hộ dân bị cô lập. Hiện tại, một số xã như Đức Liên, Đức Bồng, Đức Lĩnh đã bắt đầu giúp dân di dời tài sản đến nơi an toàn và sẵn sàng sơ tán dân khi lũ lên nhanh. Ảnh: Thôn 3 Bồng Giang, xã Đức Giang bị cô lập hoàn toàn.
Hiện tại trên địa bàn xã vẫn có mưa lớn diễn ra trên diện rộng, mực nước sông Ngàn Sâu liên tục cao. Trước tình hình đó, chiều nay, xã tiến hành sơ tán 200 hộ dân ở thôn 1, 2 vào đến nơi an toàn, để đảm bảo an toàn cho người dân”.
Ông Trần Đức Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bồng
Mưa lớn diện rộng trên địa bàn TX Kỳ Anh vào đêm 17/10 đến sáng 18/10 đã khiến nhiều điểm ở TX Kỳ Anh bị sạt lở nghiêm trọng và ngập úng cục bộ.
Sáng 18/10, Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh Nguyễn Hoài Sơn đã đi kiểm tra thực địa công tác ứng phó với mưa lũ tại các công trình thủy lợi trọng yếu và một số điểm bị sạt lở trên địa bàn TX Kỳ Anh. Tại tuyến đường cứu hộ hồ chứa nước Kim Sơn (thuộc thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh) có 3 điểm sạt nghiêm trọng gây ách tắc giao thông.
Theo ông Nguyễn Hữu Khiếu, Trưởng phòng Quản lý đô thị và Kinh tế TX Kỳ Anh
cho biết:
Do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước các hồ chứa đang lên cao như hồ Thượng Sông Trí và hồ Kim Sơn...
Khu vực cầu Đò, tổ dân phố Trường Thịnh, phường Kỳ Thịnh bị ngập sâu không thể lưu thông
Tình hình sạt lở bờ biển tại các thôn Hải Phong 2, Hải Thanh, Đông Yên cũ của xã Kỳ Lợi diễn biến phức tạp, có những đoạn biển ăn sâu vào đất liền 1-2m.
Điểm sạt lở tại thôn Hải Thanh
Thượng tá Nguyễn Văn Lương – Chính trị viên Đồn Biên phòng của khẩu Cảng Vũng Áng – Sơn Dương cho biết: 11 giờ trưa nay, đơn vị đã phối hợp với chính quyền xã Kỳ Lợi tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh bè nổi di chuyển khỏi khu vực này.
Cùng với đó, đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sỹ phối hợp, giúp đỡ các hộ di chuyển tài sản, vật dụng có giá trị đến nơi an toàn.
Đến 14 giờ chiều, 18 hộ kinh doanh hải sản gần khu vực Eo Bạch đã di chuyển đến nơi an toàn, các bè nổi đã được giằng néo và đóng cửa.
Được biết, các hộ kinh doanh bè nổi khu vực đền Eo Bạch, gần núi Ô Tôn đang đối diện với nguy cơ sạt lở.
Hiện, lực lượng chức năng đã cho cắm biển báo nguy hiểm.
Thị xã đã phân công cho các đồng chí trong đoàn công tác bám sát cơ sở để kịp thời chỉ đạo ứng phó với diễn biến thời tiết hiện nay. Đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương đặt các điểm cảnh báo tại các điểm sạt lở nghiêm trọng và kịp thời lên phương án di dời các hộ dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao...".
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh
Tại địa điểm Km40+750 trên Quốc lộ 12C, thuộc xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh), thường xuyên sạt lở, đặc biệt với tình hình mưa lũ hiện tại khu vực này có nguy cơ sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng.
Để chủ động tình hình, UBND xã Kỳ Sơn đã bố trí lực lượng di dời 5 hộ dân sống ngay dưới chân núi ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Được biết, theo chỉ đạo của UBND huyện Kỳ Anh, trước 15h chiều nay tất cả các hộ dân với hơn 20 nhân khẩu tại khu vực nguy hiểm nói trên phải được di dời đến địa điểm an toàn.
Chúng tôi đã bố trí các lực lượng cùng xe vận chuyển hỗ trợ người dân và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Các hộ dân này sẽ được đưa đến lưu trú tại Trường Mầm non Mỹ Lợi (xã Kỳ Sơn) để tránh trú cho đến lúc an toàn.
Ông Lê Hồng Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn
Đến cuối ngày hôm nay (18/10), tại huyện Kỳ Anh có 302 hộ, 1.011 khẩu ở các thôn Xuân Tiến, Lạc Trung, Lạc Thanh (xã Kỳ Lạc) và một số hộ ở thôn Tân Xuân, Nam Xuân, Trường Xuân (xã Kỳ Tây) bị nước lũ cô lập.
Lực lượng chức năng xã Kỳ Sơn lập chốt, phân công trực tại các đoạn đường bị ngập nguy hiểm.
Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Trần Thành Nam kiểm tra và trao đổi với người dân xã Kỳ Sơn về nâng cao ý thức trog phòng chống bão lụt.
Lãnh đạo huyện Kỳ Anh đi kiểm tra một số nơi xung yếu ở xã Kỳ Thượng
Ngăn cấm tất cả các phương tiện đi qua đoạn đường ngập lụt ở xã Kỳ Lạc
Người dân thôn Lạc Sơn, xã Kỳ Lạc kê gác đồ đạc
Một số gia đình ở vùng thấp trũng bắt đầu sơ tán đến an toàn
Các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng ở điểm ngập lụt xã Kỳ Lạc khẩn trương sơ tán tài sản.
* Đến thời điểm hiện tại, nhiều đia phương như Khánh Vĩnh Yên, Tùng Lộc, Trung Lộc, Quang Lộc, Sơn Lộc... đã bị ngập cục bộ. Huyện Can Lộc chỉ đạo các địa phương lập chốt cảnh báo, bố trí lực lượng trực ở các khu vực nguy hiểm
Mưa lớn đã làm ngập một số tuyến đường, chia cắt nhiều khu dân cư ở Can Lộc
Đến thời điểm hiện tại, nước đã tràn vào một số trường học ở các xã Khánh Vĩnh Yên, Trung Lộc, Tùng Lộc... (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Trung Lộc)
Trường Mầm non Sơn Lộc... Ảnh: Quốc Huy
... và nhà dân ở xã Sơn Lộc (Can Lộc) cũng ngập nước.
Tại thị trấn Nghèn, nhiều chỗ bị đường bị ngập sâu nửa mét. Trong ảnh: Tại tổ dân phố Hồng Hà. Ảnh: Quốc Huy.
Tại tổ dân phố Hồng Vinh (thị trấn Nghèn). Ảnh: Quốc Huy.
Sân nhà văn hóa thôn Thượng Sơn, xã Sơn Lộc cũng bắt đầu ngập nước
Một số nhà dân ở Tùng Lộc có nguy cơ nước tràn vào nhà
Lực lượng chức năng ở các địa phương lập chốt cảnh báo nguy hiểm tại một số tuyến đường bị ngập (Ảnh: chốt cảnh báo của xã Trung Lộc trên tuyến đường vào thôn Cồn Soi).
Liên quan đến người đàn ông đuối nước khi đánh bắt cá trong mưa lớn, ông Bùi Viết Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn (Can Lộc) thông tin: Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, đến khoảng 13h10" chiều nay (18/10), các lực lượng và người dân địa phương đã tìm thấy thi thể của anh Trần Văn Doãn (SN 1984, trú tại TDP 9, thị trấn Nghèn, Can Lộc) sau gần 2 ngày mất tích khi đang đi thả lưới bắt cá. Hiện thi thể đã được bàn giao cho người nhà để tiến hành an táng theo phong tục của địa phương. (Võ Đạt)
Để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra, huyện đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, phương tiện phụ vụ công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn”.
Ông Phan Cao Kỳ, Chánh văn phòng PCTT-TKCN huyện Can Lộc