Hà Tĩnh: Cắt thành công khối u nang lớn trên mặt bệnh nhân 69 tuổi
Nam bệnh nhân 69 tuổi ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) mang khối u trên mặt suốt 10 năm vừa được Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cắt bỏ thành công.
Bệnh nhân vừa được Khoa Răng - hàm - mặt (RHM), Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh phẫu thuật cắt bỏ khối u nang dạng biểu bì ở vùng mặt là ông T.Đ.T. (69 tuổi, trú xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Khối u được cắt bỏ có kích thước 8 x 8cm.
Theo người nhà bệnh nhân T., cách đây 10 năm, ở vùng mặt phía bên mang tai phải của ông xuất hiện một khối u. Ban đầu khối u nhỏ như hạt đậu, sau đó lớn dần. Hai năm trở lại đây khối u phát triển nhanh, mặc dù không gây đau đớn nhưng lại ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Gia đình cũng rất lo lắng vì không biết đây là khối u ác tính hay lành tính nên đã đưa ông T. đi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Các bác sĩ Khoa RHM đã tiến hành làm xét nghiệm, siêu âm phần mềm vùng mặt, chụp MRI có tiêm thuốc đối quang từ để đánh giá mức độ xâm lấn của khối u từ đó đưa ra cách thức phẫu thuật, đồng thời tiến hành làm giải phẫu bệnh để xác định bản chất của khối u.
Bác sĩ Phạm Thị Cẩm Thơ, Phó trưởng Khoa RHM, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân T. cho biết trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải rất thận trọng vì kích thước khối u lớn lại nằm ở vị trí có nhiều mạch máu, nhiều dây thần kinh… nếu không khéo léo có thể gây tổn thương, gây liệt cơ mặt, nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân.
Sau khi cắt khối u thành công, bác sĩ tiếp tục tiến hành cắt bỏ phần da thừa và tạo hình thẩm mỹ vùng khối u bị cắt. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Khi phát hiện trên cơ thể có khối u bất thường, người bệnh nên đi khám để được tư vấn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa.
Căn cứ theo các yếu tố như vị trí, kích thước, mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng của khối u đã bội nhiễm hay chưa mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp đem lại hiệu quả điều trị tối đa cho người bệnh. Người bệnh nên thực hiện cắt bỏ khối u càng sớm càng tốt khi chưa gây biến chứng và kích thước khối u còn nhỏ.
Nếu người bệnh chủ quan để u phát triển có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, viêm loét và chảy mủ, thậm chí có thể ung thư hóa, lúc này việc cắt bỏ u sẽ khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và có nguy cơ để lại sẹo xấu cao hơn.
Bác sĩ Phạm Thị Cẩm Thơ, Phó trưởng khoa RHM, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.