Hà Tĩnh chủ động dạy, học thích ứng với Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
2024 - 2025 là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên, học sinh ở Hà Tĩnh đang nỗ lực thích ứng với dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Năm học mới đã trôi qua hơn 1 tháng, việc dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới lớp 12 ở các trường THPT đã đi vào nền nếp. Giáo viên và học sinh cũng đang nỗ lực từng ngày để truyền đạt, lĩnh hội kiến thức, vừa tìm hiểu nghiên cứu cách thức tiếp cận với hình thức thi theo chương trình đổi mới.
Cô Nguyễn Thị Trang – giáo viên bộ môn Toán, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Để đồng hành với học sinh trong việc chuẩn bị các kiến thức cho Kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, thời gian này cùng với việc bám sát chương trình giảng dạy, chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu kỹ bộ sách được trường lựa chọn và các bộ sách trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, giáo viên sẽ có định hướng phù hợp cho học sinh trong quá trình học tập, ôn luyện kiến thức”.
Cũng theo cô Trang, môn Toán của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có độ khó hơn so với trước. Các dạng Toán thiên về ứng dụng thực tiễn, trong khi học sinh lớp 12 mới chỉ được tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới trong 3 năm trở lại đây. Vì thế, để hỗ trợ học sinh quá trình học tập, giáo viên sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp, khó ở đâu bổ sung kiến thức ở đó. Ngoài ra, việc tự nghiên cứu của mỗi giáo viên, sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, tổ bộ môn cũng tăng cường sinh hoạt chuyên môn để thảo luận kinh nghiệm trong tổ chức dạy học, ôn tập phù hợp với kỳ thi đổi mới.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Thạch Hà), việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, hành trang cho hơn 400 học sinh 12 cũng đang được đặt lên hàng đầu. Theo đó, thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về kỳ thi cho cán bộ, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh.
“Trường cũng tiếp tục việc rà soát để học sinh nhìn nhận rõ năng lực, sở trường của mình trong lựa chọn, định hướng nghề nghiệp. Đồng thời chỉ đạo giáo viên tiếp tục nghiên cứu sách giáo khoa, nghiên cứu kỹ cấu trúc đề theo hướng dẫn tập huấn của sở để vừa dạy học vừa xây dựng ngân hàng đề thi, trên cơ sở đó tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp”, thầy Lê Hồng Nhật - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết.
Từ sự chỉ đạo quyết liệt của nhà trường, đội ngũ giáo viên cũng đã tăng cường đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá. Theo đó, ngoài việc cập nhật định hướng ra đề của Bộ GD&ĐT trong quá trình giảng dạy, ôn tập, ở mỗi bài học các thầy cô đều có một đề thi cấu trúc theo 3 phần như mô hình đề thi của bộ, mỗi bài tập ở nhà cho học sinh đều được tăng cường phần liên hệ thực tế… Cùng với nỗ lực của giáo viên, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn cũng đã cố gắng tập trung lĩnh hội kiến thức, chuẩn bị tâm thế cho kỳ thi sắp tới.
Em Lê Viết Mạnh – lớp 12A Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Mặc dù rất lo lắng trước một kỳ thi đổi mới, nhưng thời gian qua, chúng em đã được các thầy cô giáo đồng hành, hướng dẫn chu đáo về kiến thức, kỹ năng. Vì thế, để chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi 2 trong 1 thời gian này, ngoài việc cố gắng nắm vững kiến thức bài học trên lớp, hoàn thành tốt các bài tập về nhà, em cũng thường xuyên lên mạng tìm hiểu thêm các thông tin về kỳ thi, về phương pháp học tập của các bạn khác để có sự điều chỉnh phù hợp”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, các thí sinh sẽ thi 4 môn. Trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, 2 môn còn lại thí sinh sẽ lựa chọn trong 9 môn gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Tuy nhiên, để hướng cho học sinh nhóm khá, giỏi tiếp cận kỳ thi theo hướng phát triển năng lực, tư duy của các trường đại học tốp đầu, nhiều trường THPT trên địa bàn học cũng đã đổi mới phương pháp dạy học để giúp học sinh thích ứng.
Thầy Trần Đức Tài – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc) cho hay: “Cùng với việc bám sát phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trường tiếp tục chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập; xây dựng ngân hàng các câu hỏi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của các trường đại học tốp đầu”.
Thời gian qua ngành GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, trong đó quan tâm xây dựng kế hoạch giáo dục, dạy học từng môn cụ thể; thực hiện khảo sát việc đăng ký môn tự chọn trong các môn học của học sinh lớp 12. Trước đó, sở cũng đã tập huấn, bồi dưỡng cho gần 3.000 giáo viên cấp THPT về xây dựng câu hỏi, đề kiểm tra định kỳ, đề thi theo cấu trúc đề tốt nghiệp THPT năm 2025.
Cũng từ tinh thần chỉ đạo của ngành, hiện tại các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường, liên trường; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán cấp trường và cấp tỉnh trong việc trao đổi, hỗ trợ cho các giáo viên về chuyên môn liên quan đến đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, chia sẻ phương pháp xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với đối tượng học sinh.
Thầy Đậu Quang Hồng – Trưởng phòng GDPT Sở GD&ĐT Hà Tĩnh