Hà Tĩnh: Dân ngập trong lũ do xả nước 'đúng quy trình'
Trận lũ lịch sử '1.000 năm mới xuất hiện' được cho là có nguyên nhân một phần từ quy trình xả lũ hồ Kẻ Gỗ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT giải thích về việc xả lũ để cứu “túi nước treo trên đầu dân” là đúng quy trình.
Xả lũ để cứu “túi nước treo trên đầu dân”?
Ngày 7/12 diễn ra phiên họp chất vấn tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII. Đại biểu Trần Viết Hậu (đại biểu huyện Đức Thọ) đặt câu hỏi: Theo nhận định từ các chuyên gia, trận lũ lịch sử vừa qua “1.000 năm mới xuất hiện” và trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra trong những năm tới. Vậy, có thể tính toán hạ mức cao trình xả từ 15m - 20m thay vì ở mức 26,5m như hiện nay?
Trả lời, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở TN&MT cho biết, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch tổng thể đánh giá lại các công trình thủy lợi. Sẽ có đội ngũ chuyên gia tính toán để đưa ra giải pháp thích hợp và Sở sẽ cùng phối hợp.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Hổ về việc khi xả, thông báo đến người dân ở hạ du mực nước tăng, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Đây là sự việc ở mức độ khẩn cấp, từ trước đến nay chưa từng xảy ra”. Do thiếu bản đồ ngập lụt nên chưa thể tính toán được mức lũ vùng hạ du trong quá trình xả. Vì vậy việc xây dựng bản đồ ngập lụt trong thời gian tới là vô cùng cần thiết.
Đại biểu Bùi Nhân Sâm chất vấn: Tại sao không chủ động xả hồ Kẻ Gỗ để đón lũ? Phần trả lời của ông Việt trôi đi với những số liệu “đúng quy trình”. Nhưng ông “chốt” lại lý do không chủ động xả lũ: “Thực tiễn nước không có để xả”.
Ngay lập tức, đại biểu đối chất lại, “Sao lại trả lời đại biểu và cử tri như vậy, thưa ông Nguyễn Văn Việt?”. Đại biểu này liền đưa ra con số để minh chứng, 7 giờ ngày 15/10, mực nước trong hồ Kẻ Gỗ ở cao trình 25,80m, thấp hơn ngưỡng tràn xả lũ là 0,7m.
Nhưng chỉ 47 giờ sau, đến 6 giờ ngày 17/10, mực nước trong hồ đã ở cao trình 26,62m, cao hơn ngưỡng xả lũ là 0,12m. Đến 6 giờ ngày 18/10, mực nước trong hồ ở cao trình 29,13m, cao hơn ngưỡng xả lũ là 2,62m. Và đến 13 giờ ngày 18/10, mực nước trong hồ lên ở cao trình 30,70m, vượt ngưỡng xả tràn… 4,2m!
Lập luận của đại biểu này chỉ rõ, nước lòng hồ đã mấp mé và vượt ngưỡng xả tràn từ những ngày trước đó. Việc ông Việt nói, “thực tiễn nước không có để xả” là không thể biện minh.
13 giờ ngày 18/10, mực nước trong hồ lên ở cao trình 30,70m, vượt ngưỡng hơn 4m, tương đương bằng 293,20 triệu m3. Lúc này mới xả ồ ạt hàng triệu m3 nước về hạ du, có lúc mức xả lũ là 1.060 m3/s như số liệu báo cáo. Dù xả hàng triệu m3 nước về hạ du để cứu “túi nước treo trên đầu dân”, nhưng sáng 19/10 mực nước trong hồ vẫn dâng đến cao trình 33,8m.
Thực tế, dân hạ du chìm trong biển nước. TP Hà Tĩnh có nơi ngập sâu 2 - 3m, cô lập nhiều ngày. Hàng nghìn tỷ đồng của người dân trôi theo dòng nước.
Với các lập luận và bằng chứng đưa ra tại nghị trường, ông Nguyễn Văn Việt không trả lời thuyết phục chất vấn của đại biểu!
Phân tích, giải trình thêm về việc xả lũ hồ Kẻ Gỗ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng: “Trong quá trình vận hành xả lũ, tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT liên tục thông báo cho 1,3 triệu thuê bao về chi tiết lượng xả lũ trong từng thời điểm. Sau lũ, đã tổ chức họp báo thông tin về quy trình xả lũ cũng như làm rõ vai trò cắt lũ của hồ Kẻ Gỗ”.
Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận đấu giá cấp phép mỏ còn chậm
Tại phiên làm việc, một số địa phương phản ánh việc tổ chức đấu giá mỏ vật liệu xây dựng thông thường chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Các đại biểu, cử tri cũng đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và kế hoạch trong thời gian tới.
Trả lời về vấn đề này, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận, việc xây dựng kế hoạch, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được quan tâm, thực hiện. Nhưng công tác tổ chức đưa mỏ ra đấu giá để cấp phép vẫn còn chậm. Chưa tập trung kiểm tra, khảo sát, đánh giá điều kiện các mỏ trong quy hoạch để tham mưu kịp thời việc đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Giám đốc ngành TN&MT lý giải rằng, khi tổ chức đấu giá trên khu đất mặt bằng chưa “sạch” thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Khó giải quyết nếu người trúng đấu giá không giải phóng được mặt bằng để thực hiện dự án khai thác. Do vậy, trước khi đưa mỏ vào đấu giá, phải khảo sát kỹ để đánh giá tính khả thi của công tác giải phóng mặt bằng khu mỏ.
Ngoài ra, quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn mất nhiều thời gian. Trong khi đó, chính quyền một số địa phương chậm triển khai thực hiện việc khảo sát, đánh giá công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong diện tích khu vực dự kiến đề xuất đưa vào kế hoạch đấu giá. Mặc dù Sở TN&MT đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu…
Để đẩy nhanh việc tổ chức đấu giá, trong thời gian tới, ngành TN&MT cho rằng cần có sự tham gia của chính quyền trong việc vận động bà con nhân dân thực hiện các cam kết như việc ký cam kết bàn giao đất nhưng sau đó không thực hiện.
Liên quan đến vấn đề, phát biểu kết luận phiên chất vấn, ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu khai thác khoáng sản cần phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Cần gắn khai thác với bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử, bảo đảm quốc phòng an ninh.
“Hà Tĩnh sẽ không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế. Hiện nhiều dự án, công trình triển khai cần đến vật liệu xây dựng. Chính vì vậy UBND tỉnh cần chỉ đạo ngành TN&MT phối hợp với địa phương khảo sát nhu cầu vật liệu xây dựng để xác định khu vực khai thác mỏ thích hợp vào quy hoạch. Đồng thời, việc đấu giá mỏ phải đính quy trình, công khai, minh bạch tránh thất thoát ngân sách Nhà nước”. Ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh