Hà Tĩnh đề nghị sớm bố trí đủ kinh phí thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng
Tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm đề xuất Chính phủ sớm bố trí đủ kinh phí (nguồn sự nghiệp và nguồn đầu tư phát triển) để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững...
Sáng 29/6, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh về công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) .
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt, lãnh đạo một số sở, ngành tiếp và làm việc với đoàn.
Hiện nay, Hà Tĩnh có 359.784 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố (chiếm trên 60% diện tích tự nhiên). Trong đó, đất có rừng 337.231 ha (rừng tự nhiên 217.327 ha; rừng trồng 119.904 ha); đất chưa có rừng 22.553 ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 là 52,56%.
Về tổ chức quản lý, sử dụng rừng, toàn tỉnh đã giao 254.183 ha rừng và đất lâm nghiệp cho 21 tổ chức; hơn 25.000 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý 71.344 ha. Diện tích còn lại chưa giao do UBND các xã quản lý là 34.258 ha.
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã được chính quyền địa phương, các ngành chức năng, chủ rừng triển khai thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp hiệu quả như: xây dựng kế hoạch chủ động phối hợp tuần tra, kiểm tra; làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, nhất là tại các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao tại các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên... Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc sử dụng rừng của chủ rừng, các dự án, công trình liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, chim tự nhiên di cư.
Trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 64 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, khởi tố vụ án hình sự 1 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 63 vụ; tịch thu 27,627 m3 gỗ các loại, 56 cá thể động vật hoang dã, 2 tang vật, phương tiện khác; tổng thu nộp ngân sách Nhà nước trên 600 triệu đồng.
Đối với công tác PCCCR, Hà Tĩnh có diện tích rừng trọng điểm dễ cháy lớn nên hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, ngành chức năng, chủ rừng tập trung thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Tỉnh đã củng cố, kiện toàn 179 ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 các cấp.
Chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng rà soát làm mới, tu sửa 179,03 km đường băng cản lửa; bổ sung 21 chòi canh lửa, 248 biển tường cố định, 135 cưa xăng, 603 máy thổi gió. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm vùng II tăng cường thêm 30 máy thổi gió để ứng trực cho các địa phương, đơn vị,...
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin thời tiết, khí tượng thủy văn để dự báo tình hình cho địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng khi cấp dự báo cháy rừng đến cấp IV và cấp V; theo dõi thông tin cảnh báo cháy sớm trên trang web của Cục Kiểm lâm (http://www.kiemlam.org.vn) để chỉ đạo kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời.
Tại buổi làm việc, Hà Tĩnh đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm đề xuất Chính phủ sớm bố trí đủ kinh phí (nguồn sự nghiệp và nguồn đầu tư phát triển) để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện bảo vệ và phát triển rừng thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; rà soát, bổ sung các chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng (chế độ phụ cấp lưu động; độc hại; phụ cấp khu vực biên giới...); sớm hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ để phù hợp với thực tiễn công tác lâm nghiệp trên địa bàn;…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện - Trưởng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đánh giá cao những kết quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR tại Hà Tĩnh. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; tích cực trồng cây, trồng rừng; thực hiện tốt các mô hình quản lý bảo vệ rừng, PCCCR gắn với phát triển kinh tế rừng bền vững để mang lại giá trị cao cho Nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong chung tay bảo vệ rừng.
Đoàn cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Hà Tĩnh, Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp, nghiên cứu xem xét, giải quyết trong thời gian tới.