Hà Tĩnh: Đối thoại, giải quyết các vướng mắc đến đền bù, GPMB khi thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam
Nam, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của các hộ bị ảnh hưởng ở xã Trung Lộc.
Ngày 3/11, UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tổ chức đối thoại với các hộ dân của thôn Trung Long (xã Trung Lộc) để làm rõ những nội dung kiến nghị, đề xuất liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam.
Cao tốc Bắc - Nam đi qua xã Trung Lộc dài 3,31 km, có 341 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp với diện tích 21 ha. Đến nay, phần lớn hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng còn 12 hộ dân ở thôn Trung Long vẫn băn khoăn, có kiến nghị liên quan đến công tác bồi thường đất nông nghiệp.
Sau khi lắng nghe kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của các hộ dân, lãnh đạo UBND huyện Can Lộc và đại diện các phòng, ban liên quan đã phân tích, giải thích, làm rõ những nội dung mà người dân còn băn khoăn.
12 hộ dân ở thôn Trung Long, xã Trung Lộc cho rằng diện tích đất nông nghiệp mà họ đang canh tác, sản xuất phải được đền bù khi dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp này của các hộ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng người dân canh tác trên đó lâu rồi thì phải được đền bù…
Quá trình xem xét hồ sơ có liên quan, báo cáo của UBND xã Trung Lộc, kết quả kiểm tra thực địa, làm việc với các đơn vị, cá nhân liên quan, UBND huyện Can Lộc đã làm rõ nguồn gốc các thửa đất mà các hộ kiến nghị, bồi thường.
Theo đó, các thửa đất nông nghiệp nằm trong mốc GPMB thực hiện dự án đường bộ Cao tốc Bắc - Nam mà các hộ dân kiến nghị được bồi thường là đất do UBND xã quản lý, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, các thửa đất nông nghiệp trên chưa đủ cơ cở để xem xét, bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Kỷ, Bí thư chi bộ thôn Trung Long xác nhận, các thửa đất của 12 hộ gia đình, cá nhân có đơn khiếu nại thuộc đất dự phòng của thôn, quá trình chuyển đổi ruộng đất thôn để lại cho các hộ sau khi thực hiện Nghi định 64/NĐ-CP, các hộ đông con và các hộ không có đất nông nghiệp mượn để sản xuất, không phải đất được giao theo khẩu của các hộ.
Các thửa đất này đã được giao theo khẩu cho các hộ sản xuất trước năm 2002, nhưng đến năm 2002, chuyển đổi ruộng đất giai đoạn I, thôn không chia theo khẩu cho các hộ nữa mà để lại làm quỹ đất dự phòng cho các hộ mượn để sản xuất.
Các ý kiến của các hộ dân được chủ trì ghi nhận, phân tích trên cơ sở quy định pháp luật, mong rằng qua cuộc đối thoại người dân sẽ nghiêm túc xem xét lại quyền lợi chính đáng của mình, không nghe theo những lời xúi giục để bản thân mất thời gian và “lạc” vào vòng lao lý do thiếu hiểu biết.
Ông Đặng Trần Phong, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc chia sẻ với các ý kiến, nguyện vọng của người dân và khẳng định, quá trình thực hiện bồi thường GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn huyện được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bà con nhưng các kiến nghị, đề xuất, ý kiến đưa ra phải xác đáng và đúng với quy định của pháp luật. Căn cứ trên cơ sở quy định pháp lý, huyện sẽ tập trung giải quyết kịp thời, thấu đáo các các kiến nghị, đề xuất của người dân.
Chủ tịch huyện cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm rõ các nội dung để bà con hiểu và chấp hành chủ trương, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện dự án lớn.
Kết thúc buổi làm việc, trên các căn cứ pháp luật, những vấn đề mà người dân băn khoăn đã được đại diện các ban, ngành và chủ trì giải thích thấu đáo. Đồng thời Chủ tịch huyện cũng yêu cầu công an theo sát tình hình, ngăn chặn, xử lý kịp thời những kẻ có ý đồ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để kích động, xúi dục khiếu kiện, khiếu nại thiếu căn cứ, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Can Lộc có chiều dài 19,4 km, qua 9 xã, thị trấn. Để phục vụ dự án, huyện Can Lộc cần bàn giao 198,47 ha đất các loại với 2.171 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, 1.886 hộ có đất sản xuất nông nghiệp, 285 hộ có đất ở và tài sản trên đất (140 hộ tái định cư, 145 hộ không phải tái định cư) và 778 ngôi mộ phải di dời.