Hà Tĩnh: Dọn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế
Sở Y tế Hà Tĩnh yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế các địa phương triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó...
Tại tỉnh Hà Tĩnh, trong đợt mưa lũ xảy ra từ 18 đến 20/10 vừa qua, đã có 40 trạm y tế bị ngập trong nước lũ, tập trung chủ yếu tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh, Can Lộc và thị xã Kỳ Anh.
Để đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho người dân, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh và các bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã tổ chức nhiều đoàn đến các cơ sở y tế để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc công tác phòng chống dịch như hướng dẫn xử lý nước sinh hoạt, tặng quà, tặng cơ số thuốc, vật tư y tế phòng chống bão lũ...
Ông Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế cho biết tất cả bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà và Trung tâm Y tế huyện Can Lộc đã cử cán bộ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên và các trạm y tế của huyện này bị ngập lụt, hỗ trợ công tác vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Sở Y tế Hà Tĩnh cũng tiếp nhận từ Bộ Y tế 700.000 viên sát khuẩn nước Aquatabs, tiếp nhận 100 thùng sữa tươi để cấp phát cho bệnh nhân và cán bộ y tế ở cơ sở bị ngập lụt.
Để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở y tế bị ngập lụt làm vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau khi nước lũ rút, Sở Y tế Hà Tĩnh yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế các địa phương triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; tổ chức thu gom xác động vật chết, sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn, không để phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Ngoài ra, các cơ sở chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng, chống lụt bão; duy trì chế độ trực các tổ đội cơ động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu; rà soát lượng dự trữ thuốc, hóa chất và vật tư y tế kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư cần thiết.
Các cơ quan chức năng tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo an toàn thực phẩm mùa mưa lũ, vệ sinh tại gia đình để phòng chống ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm như bệnh tả, thương hàn, lỵ trực trùng, tiêu chảy.../.