Hà Tĩnh: Đốt than củi sưởi ấm, hai mẹ con phải nhập viện nghi do ngộ độc khí CO
Mới đây, hai mẹ con ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc khí CO do đốt than củi sưởi ấm.
Năm nào, vào mùa rét cũng có các trường hợp người dân thương vong liên quan đến việc đốt than, đốt củi trong phòng do không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Gần đây nhất, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc nghi do nhiễm khí CO khi đốt than củi sưởi ấm trong không gian kín.
Trước đó, khoảng 21h ngày 11/1, bà T. (SN 1954, ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) cùng con dâu là chị T.T.H (SN 1984, con dâu bà T.) thấy trời lạnh nên đã đốt than củi sưởi ấm khi đang trong phòng ngủ. Sau khi phát hiện chị H. bị ngất xỉu, bà T. kêu gọi người xung quanh đến để cứu giúp. Khi những người hàng xóm chạy sang thì phát hiện bà T. và chị H. nằm ngất lịm.
Ngay lúc này, người dân đã đưa cả hai mẹ con vào Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân để cấp cứu do khó thở. Sau thời gian điều trị, hiện nay, chị H. và bà T. sức khỏe đã tạm thời ổn định.
Vào những ngày thời tiết nhiệt độ xuống thấp, người dân cần thận trọng với các thiết bị sưởi ấm bằng than tổ ong, than củi. Bởi tiếp xúc thường xuyên với khói than làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi. Ngộ độc khí CO là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở người bị ngạt khói.
Vào mùa lạnh, việc đốt than để sưởi ấm tăng lên, số ca nhập viện vì ngộ độc khí CO cũng tăng theo. CO khuếch tán nhanh qua phế nang, qua màng mao mạch của phổi vào máu, cạnh tranh với oxy, dẫn tới nhân heme trong hồng cầu không gắn với oxy được nữa. Biểu hiện ngộ độc khí CO bao gồm: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thay đổi tri giác, co giật, hôn mê. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.
Trước những vụ việc đáng tiếc kể trên, các bác sĩ đã khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác, phòng tránh rét là nhu cầu cần thiết nhưng không nên đốt củi, đốt than tổ ong trong nhà, phòng kín, tránh để những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.