Hà Tĩnh: Dự án cấp bách đê Tân Long chưa bàn giao đã sụt lún, hư hỏng nặng

Mặc dù chưa được bàn giao nhưng Dự án xử lý cấp bách đê Tân Long (huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư 46 tỷ đồng, đã bị sụt lún, xói lở, nứt gãy nhiều điểm kéo dài...

Dự án xử lý cấp bách đê Tân Long có chiều dài gần 3km, điểm đầu tại thôn Đình, điểm cuối tại đường Tỉnh lộ 8B thuộc thôn Nam Đoài, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Dự án có tổng mức đầu tư gần 46 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 35,5 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: nâng cấp mở rộng nền cũ đê, cống, đắp đất nền, gia cố mái do UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư.

Dự án cấp bách đê Tân Long được đầu tư gần 46 tỷ đồng nhưng có dấu hiệu kém chất lượng.

Theo thiết kế, mặt đường đỉnh đê có chiều rộng 5m, kết cấu bằng bê tông xi măng M250, đá 1x2, dày 20cm, phía dưới lót bạt xác rắn. Tiếp đến là lớp cấp phối đá dăm dày 15cm và phía dưới cùng là lớp đất đầm chặt K98, dày 30cm. Cứ 5m bố trí 1 khe co dãn; khóa mái đê và gờ chắn bánh bằng bê tông M250.

Phần mái đê phía sông có hệ số m=2,5. Các đoạn xung yếu dài khoảng 2,3km được gia cố bằng đá lát khan dày 30cm trong khung bê tông cốt thép M200 đá 1x2. Phía dưới là lớp đá dăm (2x4) dày 10cm, dưới cùng là lớp vải địa kỹ thuật. Các đoạn còn lại và mái đê phía đồng được trồng cỏ để bảo vệ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tuyến đê xuất hiện vết nứt và sụt lún là do Công ty Cổ phần Xây dựng 68 Hà Tĩnh (người đại diện pháp luật là ông Trần Xuân Đình, địa chỉ tại xóm Tiền Tiến, xã Thạch Môn, TP. Hà Tĩnh) thi công, tư vấn giám sát là Công ty CPTVXD cơ sở Hạ tầng. Đơn vị này thi công đoạn đầu tuyến đê với chiều dài gần 700m, đến nay cơ bản đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, dù mới được đổ bê tông từ đầu tháng 9/2021, nhưng tuyến đê đã bộc lộ nhiều dấu hiệu kém chất lượng. Rất nhiều vị trí đã có dấu hiệu xuống cấp, nhiều điểm xuất hiện sụt lún, nứt nẻ (gãy kết cấu), chạy từ bên này sang bên kia mặt đê. Để khắc phục hư hỏng, đơn vị thi công đã cho khoan cắt để xử lý nhưng không đúng theo biên bản thống nhất của các đơn vị liên quan.

Ông T.V. Th. ở xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn cho biết, khi thấy Nhà nước làm tuyến đê, người dân rất vui. Nhưng rồi chưa kịp vui đã phải chịu nỗi buồn, đó là tuyến đê vừa mới thi công xong, chưa đưa vào sử dụng, lượng xe lưu thông chủ yếu là xe máy và xe đạp nhưng đã xuất hiện sụt lún, xói lở, nứt gãy nhiều điểm kéo dài...

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, có hàng loạt vết nứt kéo dài trên mặt đê, một số vết nứt đã được nhà thầu cắt, đục nham nhở, nhiều điểm tiếp tục xuất hiện vết nứt dù đã được đổ bê tông trám lại.

Phần mái đê phía đồng và mái đê phía sông đoạn không xung yếu được triển khai trồng cỏ. Tuy nhiên, chỉ vài trận mưa nhỏ đầu mùa, hai bên lề đã bị xói lở rất nặng, xuất hiện những hàm ếch rất sâu và rộng. Nền đường nhiều đoạn bị khoét sâu vào khoảng trên 40cm, có chỗ lộng sâu vào bên trong, gây mất an toàn cho người dân mỗi khi qua lại.

Để khắc phục tình trạng hư hỏng, đơn vị thi công đã cho khoan cắt để xử lý. Tuy nhiên, việc khoan cắt không đúng theo biên bản thống nhất của các đơn vị liên quan. Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận việc mặt đê không đủ độ dày 20cm theo hồ sơ thiết kế.

Đoạn đầu tuyến với chiều dài gần 700m, do Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công có nhiều điểm nứt nẻ từ bên này sang bên kia mặt đê.

Ông Nguyễn Hoàng - cán bộ kỹ thuật Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết: “Sau khi đổ bê tông phần mặt đê khoảng 2 ngày thì xuất hiện vết nứt, chúng tôi đã lập biên bản và yêu cầu đơn vị thi công khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên, việc xử lý chưa triệt để nên chúng tôi tiếp tục yêu cầu khắc phục lại. Đối với những vết nứt này, nhà thầu phải cắt phần mặt đê có vết nứt và đổ bê tông lên”.

Nói về nguyên nhân xuất hiện những vết nứt, ông Hoàng cho rằng, do phần mặt đê được đổ bằng bê tông tươi. Được biết, đơn vị đổ bê tông cho tuyến đê do Công ty Cổ phần Xây dựng 68 thi công là Công ty TNHH bê tông Hồng Lĩnh.

Liên quan đến độ dày mặt đê chưa đạt theo thiết kế, ông Hoàng còn cho rằng, do đơn vị thi công khoan cắt chưa hết phần bê tông. “Độ dày phần giữa mặt đê là 20cm nhưng nhà thầu chỉ mới cắt được khoảng hơn 10cm rồi đổ bê tông lên. Do xử lý chưa đúng kỹ thuật nên chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu nhà thầu tiếp tục khắc phục. Hiện công trình vẫn chưa nghiệm thu, khi nào nghiệm thu được chúng tôi mới làm hồ sơ thanh quyết toán”, ông Hoàng cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Tiến Dũng - Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng (địa chỉ tại 41 đường Vũ Quang, phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) - Giám sát trưởng công trình xử lý cấp bách đê Tân Long cho biết, sau khi đổ bê tông mặt đê được 5 ngày, khi tiến hành cắt khe co giãn thì phát hiện một số vị trí xảy ra hiện tượng bị nứt. Nguyên nhân dẫn đến việc nứt nẻ nói trên là do thời điểm vào đầu tháng 9, thời tiết nắng nóng, quá trình đổ bê tông không được bảo dưỡng kịp thời.

Hai bên lề đê đã bị xói lở, xuất hiện những hàm ếch. Nền đường được đơn vị thi công khoan cắt để xử lý nhưng không đúng theo biên bản.

Sau khi phát hiện sự việc, tôi đã báo cáo với chủ đầu tư. Qua kiểm tra, các bên đã thống nhất lập biên bản, yêu cầu đơn vị thi công bóc dỡ nguyên tấm bê tông dài 5m giữa 2 khe co giãn, nơi có hiện tượng nứt nẻ rồi đổ bê tông lại”, ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, thời gian qua, các nhà thầu đang tạm nghỉ nên đơn vị tư vấn giám sát không có mặt tại công trường. Tuy nhiên, phía đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng 68 Hà Tĩnh đã tự ý xử lý mà không báo với bên tư vấn giám sát. “Qua kiểm tra thì thấy đơn vị thi công không bóc dỡ nguyên tấm bê tông 5m như biên bản đã thống nhất, mà chỉ cắt một quãng rộng 30-40cm để xử lý. Bê tông bị phá vỡ kết cấu mà xử lý như thế thì không triệt để, không đảm bảo. Khi chúng tôi lập biên bản và yêu cầu dừng lại thì đã xử lý được 2 khe rồi”, Giám sát trưởng công trình cho biết.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-tinh-du-an-cap-bach-de-tan-long-chua-ban-giao-da-sut-lun-hu-hong-nang-post168737.html