Hà Tĩnh: Gần 800 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán
Không khí tết đang tràn ngập khắp các tuyến phố, đặc biệt là tại các khu chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại. Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Tĩnh, năm nay, lượng hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán khoảng 800 tỷ đồng, tăng 60% so với kế hoạch.
Tập trung hàng nhu yếu phẩm
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, trong tháng cuối cùng của năm Đinh Dậu, Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh đã nhập về kho lượng hàng trị giá hơn 60 tỷ đồng. Để dự trữ số hàng này, đơn vị phải thuê thêm kho bãi rộng 200 m2. Siêu thị cũng thuê thêm 6 quầy tính tiền lưu động và dự kiến sẽ mở hết 22 quầy tính tiền vào thời gian cao điểm để thanh toán nhanh cho khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài việc dự trữ nguồn hàng sẵn sàng phục vụ tết, chúng tôi còn tổ chức 12 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn tại các xã vùng sâu, vùng xa, nơi mà bà con ít có cơ hội được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng các mặt hàng có chương trình bình ổn giá, chương trình khuyến mại, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ”.
Cùng với các trung tâm thương mại, siêu thị, chủ cửa hàng kinh doanh tại các chợ truyền thống đều thực hiện cam kết đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ và không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa cho khách hàng mua sắm tiêu dùng trong dịp cuối năm. Theo số liệu từ Sở Công thương, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu phục vụ bà con trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất với tổng trị giá khoảng 800 tỷ đồng (tăng 60% so với kế hoạch). Trong đó, các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, nếp các loại 5.603 tấn, thực phẩm tươi sống 1.580 tấn, dầu ăn 673 nghìn lít, đường 42 tấn, rau - củ - quả 75 tấn, thực phẩm công nghiệp 120 tấn…
Đặc sản vùng miền “soán ngôi”
Nắm được nhu cầu “khát” thực phẩm sạch, đặc sản địa phương của người tiêu dùng, năm nay, Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong (Hương Khê) đã chuẩn bị lượng lớn cam phục vụ tết. Anh Hà Tiến Dũng - Giám đốc doanh nghiệp cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị khoảng 100 tấn cam chanh và 40 tấn cam bù đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp tết”. Nhờ thực hiện liên kết với các hộ trồng cam và cam kết bình ổn giá nên cam bán ra từ Doanh nghiệp Tân Thanh Phong không có sự “đẩy giá”. Dự kiến, giá cam tết năm nay dao động ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Không riêng các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, tại các siêu thị lớn nhỏ, nhiều đặc sản vùng miền đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc dường như đang “soán ngôi”. Tại Siêu thị Vinmart (Vincom Plaza), những mặt hàng đặc sản vùng miền như: Gạo nếp Tú Lệ, gạo Séng Cù, măng khô Bắc Kạn, các loại thịt sấy Tây Bắc, chả mực Hạ Long, tôm chua Huế, chả ram tôm đất An Giang, hoa quả sấy Đà Lạt... được trưng bày phong phú trên các kệ hàng. Riêng siêu thị Co.opmart lại ưu tiên các kệ hàng có nhãn riêng của hệ thống. Hệ thống cửa hàng thực phẩm Mitraco của Tổng công ty KS&TM Hà Tĩnh tập trung vào những nguồn hàng từ các đơn vị thành viên như: Thịt lợn, thịt bò, giò chả, rau - củ - quả, rượu…
Với mong muốn mang đến một cái tết sung túc, an toàn cho người dân, các doanh nghiệp đang nỗ lực để đảm bảo nguồn hàng phong phú, chất lượng. Về giá cả hàng hóa phục vụ tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Phan Trâm