Hà Tĩnh: Hàng nghìn tấn lúa chìm trong nước lũ, nông dân khóc ròng

Trận mưa lớn khiến hàng nghìn tấn lúa vụ xuân vừa thu hoạch của người dân Hà Tĩnh bị nước lũ làm ướt, cuốn trôi. Giữa sân ngập nước, nhà nhà khẩn trương chạy đua với thời gian để cứu từng bao lúa, từng hạt mồ hôi của cả vụ mùa.

Ngậm ngùi vớt vát từng bao lúa ngâm nước

Ngày 25/5, tại thôn Kỷ Các (xã Tân Lâm Hương, TP Hà Tĩnh), cán bộ thôn cùng người dân đang hỗ trợ gia đình ông Đặng Quốc Quế (SN 1969) vận chuyển những bao lúa ướt lên xe ba gác, đưa đến nhà xưởng cao ráo trong thôn để phơi, hy vọng cứu vớt phần nào thiệt hại.

Hàng nghìn tấn lúa vừa thu hoạch về của người dân bị ướt sũng vì nước lũ.

Hàng nghìn tấn lúa vừa thu hoạch về của người dân bị ướt sũng vì nước lũ.

Chiều qua (24/5), tôi tranh thủ thu hoạch lúa, chở hàng chục bao về sân. Mệt quá, đêm ngủ quên, không kịp trở tay khi nước lũ lên bất ngờ. Giờ lúa ướt hết, chỉ mong trời sớm nắng để phơi, còn không thì đành bán rẻ cho người ta xay làm thức ăn gia súc", ông Quế chia sẻ, ánh mắt bất lực.

Theo ông Đặng Hoàng Lê, Trưởng thôn Kỷ Các, trận mưa lớn kèm nước lũ dâng nhanh trong đêm khiến khoảng 25 hộ dân bị nước tràn vào nhà, lúa mới thu hoạch bị ngập ướt. Ngoài ra, gần 3ha lúa chưa kịp thu hoạch ngoài đồng cũng bị ngập sâu, nguy cơ hư hỏng cao.

Nhiều vật dụng sinh hoạt của người dân cũng bị hư hỏng do bị ngâm nước.

Nhiều vật dụng sinh hoạt của người dân cũng bị hư hỏng do bị ngâm nước.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các xã vùng trũng khác của huyện Cẩm Xuyên. Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ, mưa lũ trong đêm đã gây thiệt hại lớn, với hơn 40ha lúa chưa gặt bị ngập, khoảng 200 tấn lúa đã gặt bị ướt, hơn 80ha lạc, ngô và gần 2.000 con gia cầm bị lũ cuốn.

"Chúng tôi đang huy động lực lượng hỗ trợ người dân vận chuyển lúa đến nơi cao ráo, tìm máy sấy để xử lý kịp thời. Tuy nhiên, khối lượng lớn, trong khi trời còn mưa nên công tác cứu lúa rất khó khăn", ông Dương cho biết.

"Chưa bao giờ lũ về tháng 4 âm lịch như năm nay"

Tại xã Cẩm Duệ, bà Dương Thị Thanh (70 tuổi, trú thôn Tân Mỹ) bần thần nhìn những bao lúa bắt đầu bốc mùi sau một đêm ngâm nước.

"Mấy chục năm sống ở đây, chưa bao giờ tôi thấy lũ về vào tháng 4 âm lịch như năm nay. Nước lên quá nhanh, cả nhà không kịp xoay xở. Hơn 1,5 tấn lúa vừa gặt cũng bị nước cuốn sạch", bà nghẹn ngào.

Người dân trở tay không kịp vì cơn lũ trong đêm.

Người dân trở tay không kịp vì cơn lũ trong đêm.

Báo cáo mới nhất từ UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, tính đến sáng 25/5, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn: gần 800ha lúa vụ xuân ngoài đồng bị ngập, hơn 1.000 tấn lúa đã thu hoạch bị ướt, gần 200 ha cây trồng úng nước, 32 con gia súc và hơn 1.000 con gia cầm bị cuốn trôi. Nhiều hộ dân cũng bị hư hại tài sản, vật dụng do nước tràn vào nhà.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất gồm: xã Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Quan, Cẩm Thạch… Chính quyền địa phương đang nỗ lực thống kê thiệt hại, tìm giải pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, trong đó ưu tiên việc tìm nguồn máy sấy, nhà kho cao ráo để cứu lúa.

Nhiều gia đình ở Cẩm Xuyên chìm trong biển nước.

Nhiều gia đình ở Cẩm Xuyên chìm trong biển nước.

Dẫu vậy, với lượng lúa bị ướt quá lớn, khả năng thiệt hại toàn phần là rất cao nếu thời tiết không sớm chuyển nắng.

"Mỗi bao lúa ướt là mồ hôi, là công sức cả tháng trời ngoài đồng của bà con. Mất lúa là mất Tết, mất vốn liếng", một cán bộ xã xót xa chia sẻ.

Trưa 25/5, trao đổi với PV, ông Trần Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, mưa lớn kéo dài từ chiều 24 đến sáng 25/5 đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương trên địa bàn.

Lượng mưa đo được tại các trạm tự động từ 13h ngày 24/5 đến 12h ngày 25/5 phổ biến từ 333 - 420mm. Riêng trạm hồ Kẻ Gỗ ghi nhận 525mm, trạm hồ Thượng Sông Trí lên đến 601,8mm.

Do mưa lớn, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã vận hành xả tràn từ 20h30 ngày 24/5 với lưu lượng ban đầu 174 m³/s, thời điểm lớn nhất đạt 347 m³/s. Đến 10h ngày 25/5, lưu lượng xả giảm còn 12 m³/s.

Thống kê sơ bộ đến trưa 25/5 cho thấy, toàn tỉnh có 2.250 ha lúa xuân chưa thu hoạch bị ngập, 2.076 tấn lúa đã thu hoạch bị ướt, 397 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng.

Tại huyện Cẩm Xuyên, đã có 11.895 con gia cầm chết, 32 con gia súc bị cuốn trôi, 11 tấn phân bón bị ướt, 80m tường rào bị đổ sập.
Huyện Hương Khê ghi nhận 300 con gà bị chết. Huyện Kỳ Anh có 150 hộ dân ở xã Kỳ Văn bị ngập, mức ngập từ 30cm đến 1m.
TP Hà Tĩnh có xã Tân Lâm Hương bị ngập cục bộ một số nhà dân; TX Kỳ Anh có 3 tàu cá nhỏ bị chìm tại xã Kỳ Lợi.

Đáng chú ý, tại huyện Thạch Hà, mưa lớn đã gây sạt lở, cuốn trôi khoảng 10m bờ đập hồ Hà (xã Thạch Ngọc), khối lượng đất trôi khoảng 200 m³.

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo công tác ứng phó.
Sáng 25/5, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa, chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phát hành các văn bản hướng dẫn ứng phó với mưa lớn, yêu cầu các địa phương chủ động lực lượng, phương tiện, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để kịp thời di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm, giảm thiểu thiệt hại tối đa.

Hà Vũ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-tinh-hang-nghin-tan-lua-chim-trong-nuoc-lu-nong-dan-khoc-rong-192250525133517913.htm