Hà Tĩnh khẩn trương hoàn thành xử lý môi trường sau lũ lụt
Hà Tĩnh đã huy động tổng lực xử lý vệ sinh môi trường cho 59.976 hộ gia đình tại 116 xã và 40 trạm y tế, 153 trường học bị ngập lụt nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.
Ngành y tế nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh xảy ra sau mưa lũ
Trong đợt mưa lũ vừa qua, xã Cẩm Quang có gần 1.700 hộ dân bị ngập lũ, tất cả đều sử dụng nước giếng khoan sinh hoạt. Ngay sau lũ, cán bộ trạm y tế, trung tâm y tế huyện đã đi khảo sát từng nhà, cấp phát Cloramin B và tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường tại huyện Thạch Hà vào ngày 22/10.
Theo y sỹ Phan Công Cừ - Phó Trưởng trạm Y tế Cẩm Quang cho biết: “Với sự hỗ trợ kịp thời của Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, đến nay, cơ bản địa phương hoàn thành việc xử lý các giếng nước bị ngập để bà con có nước sinh hoạt".
Bác sỹ Trần Huy Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Toàn huyện có 16.497 giếng nước và 19.561 công trình vệ sinh bị ngập. Ngay sau lũ, ngành đã cấp 1 tấn phèn chua, 100kg cloramin B cho 23/23 xã, 12 ngàn viên Aquatas cho 9 xã vùng ngập sâu. Đồng thời cắt cử cán bộ xuống các địa bàn để cùng cán bộ trạm y tế hướng dẫn người dân xử lý môi trường, xử lý nguồn nước. Tính đến hết ngày 25/10, toàn huyện đã có 12.365 giếng nước và 15.101 công trình vệ sinh được xử lý”.
Ngành y tế tiến hành phun hóa chất khử khuẩn tại các trường học, trạm y tế.
Không riêng Cẩm Xuyên, các địa phương bị ngập nặng như: TP. Hà Tĩnh, Thạch Hà, Hương Khê, TX Kỳ Anh trong mấy ngày qua cũng đã vào cuộc quyết liệt, chạy đua với thời gian để xử lý nguồn nước và các công trình vệ sinh bị ngập sau lũ cho người dân.
Theo báo cáo từ CDC Hà Tĩnh, đến hết ngày 25/10, toàn tỉnh có 32.971/37.294 giếng nước, 46.626/51.086 công trình vệ sinh được xử lý. Trong đó các địa phương như: Hương Khê, Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Hồng Lĩnh đã cơ bản xử lý xong nguồn nước và các công trình vệ sinh bị ngập lụt cho người dân.
Lãnh đạo CDC Hà Tĩnh giám sát việc xử lý giếng nước cho người dân tại xã Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên).
Bác sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho biết: “Toàn tỉnh vẫn còn khá nhiều giếng nước và công trình vệ sinh chưa được xử lý. Để hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ bà con, các đội cơ động phòng chống dịch của CDC bám sát tại các huyện, xã. Trung tâm cũng đã dự trù và xin cấp thêm từ trung ương hóa chất xử lý nguồn nước đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trong xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt với mục tiêu cao nhất là không có dịch bệnh xảy ra sau mưa lụt”.
Các lực lượng vũ trang, đoàn thể chung sức xử lý môi trường sau lũ
Cùng với sự nỗ lực của ngành y tế ngay khi lũ rút, các lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở cũng nhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ người dân, các trường học, trạm y tế bị ngập lũ vệ sinh môi trường.
Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 841 Bộ CHQS tỉnh ra quân giúp các xã ngập lũ ở Cẩm Xuyên vệ sinh môi trường (Ảnh: Phan Trâm).
Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sau khi huy động tối đa quân số để tham gia cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế cho bà con Nhân dân tại vùng ngập lũ, sau lũ rút lại tiếp tục là lực lượng tiên phong hỗ trợ người dân vệ sinh môi trường.
Trung tá Trần Danh Thắng - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Khi nước lũ bắt đầu rút, gần 400 cán bộ chiến sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trung đoàn 841 và Ban chỉ huy Quân sự huyện nhanh chóng tỏa về các địa phương để làm công tác vệ sinh. Ưu tiên hàng đầu là xử lý các công trình công cộng như: trạm, trường để phục vụ việc học tập của các em và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tiếp đó là hỗ trợ bà con tại các xã bị ngập sâu vệ sinh nhà cửa, thu gom rác thải”.
Đoàn viên thanh niên Sở Y tế ra quân dọn vệ sinh cho các trạm y tế tại Cẩm Xuyên.
Tại TX Kỳ Anh, ông Nguyễn Hoài Sơn - Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Để khắc phục kịp thời hậu quả sau mưa lũ, thị xã đã huy động gần 1.000 cán bộ, công chức, chiến sỹ, đoàn viên, hội viên về các xã, phường bị ngập giúp sức cho bà con vệ sinh môi trường. Đặc biệt đối với các tổ dân phố ngập sâu ở phường Kỳ Thịnh, thị xã bố trí gần 500 người để vừa giúp bà con vệ sinh môi trường vừa chằng chống nhà cửa để ứng phó với bão số 8”.
Đoàn viên thanh niên thị xã Hồng Lĩnh ra quân dọn rác thải tại các điểm công cộng sau mưa lũ.
Cùng chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt, Tỉnh đoàn thành lập các đội hình tình nguyện với hơn 500 lượt đoàn viên thanh niên; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh huy động hàng ngàn chị em ra quân tổng dọn vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, phơi phóng nông sản, đồ dùng bị ngập lụt giúp các gia đình bị ảnh hưởng; tham gia vệ sinh các trường học, trạm y tế, khơi thông cống rãnh, vớt bèo tây... ở các địa bàn bị ngập sâu.
Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tích cực vào cuộc hỗ trợ các địa phương vệ sinh môi trường sau lũ.
Với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các lực lượng nên đến ngày 25/10, toàn tỉnh đã có 59.976 hộ gia đình tại 116 xã; 40 trạm y tế, 153 trường học được xử lý vệ sinh môi trường sạch sẽ.
Do hồ Kẻ Gỗ đang tiếp tục xả lũ để ứng phó với mưa lớn từ ảnh hưởng của cơn bão số 8 và cơn bão số 9 nên hiện nay gần 3.000 hộ dân tại một số xã bị ngập sâu như: Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Thạch, Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên)... chưa rút hết nước khiến công tác vệ sinh môi trường còn gặp những khó khăn.
Cấp ủy, chính quyền huyện, các xã cùng các lực lượng của tỉnh vẫn đang sẵn sàng bố trí lực lượng, nước rút đến đâu, triển khai quyết liệt công tác vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh đến đó, quyết tâm hoàn tất trước khi bão số 9 đổ bộ.