Hà Tĩnh: Khẩn trương khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trâu bò
Dịch bệnh viêm da nổi cục trâu bò tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tại một số địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh. Để phòng ngừa thiệt hại, ngành chuyên môn và các địa phương liên quan đang khẩn trương kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Dịp sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thời tiết mưa nắng thất thường làm giảm sức đề kháng của trâu bò, nhưng lại thuận lơi cho các loại vật trung gian truyền bệnh (ve, mòng, ruồi, muỗi) phát triển. Theo đó, tại 7 xã của các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Lộc Hà xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trâu bò, gây lo lắng cho người chăn nuôi.
Thời kỳ cao điểm dịch bệnh, các địa phương nói trên đã có 75 con bò mắc bệnh, trong đó có 8 con bị chết, tiêu hủy. Đến ngày 15/3, toàn tỉnh chỉ còn 32 con gia súc mắc bệnh, riêng xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân) và xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà) đã qua 21 ngày không phát sinh thêm.
Hầu hết trâu bò bị bệnh (chủ yếu bò) viêm da nổi cục được phát hiện đều có biểu hiện giảm ăn, ủ rũ, sốt cao, xuất hiện các nốt sần toàn thân. Nếu không phát hiện sớm, chữa trị kịp thời thì nguy cơ trâu bò bị chết sẽ rất cao. Ngoài ra, tại một số địa bàn vùng dịch, người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, thả rông trâu bò gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng ngừa lây lan dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Lê Hồng Cơ cho biết, từ ngày 26/2-9/3 trên địa bàn đã phát hiện 12 con bò bị bệnh viêm da nổi cục, trong đó có 3 con bị chết. Để giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
“Qua theo dõi, nắm tình hình, từ sau ngày 9/3 đến nay tại huyện Lộc Hà không phát sinh thêm trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục. Địa phương đang tập trung quyết liệt tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, hiện tại tỷ lệ tiêm phòng đã đạt trên 80%/ tổng số 3.000 con trâu bò”, ông Lê Hồng Cơ thông tin.
Dịch bệnh viêm da nổi cục trâu bò tốc độ lây lan nhanh, nhất là dịp thời tiết thay đổi, nguồn thức ăn khan hiếm, sức đề kháng trâu bò sụt giảm. Các hoạt động buôn bán, vận chuyển trâu bò để tái đàn gia tăng sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh rất cao và khó kiểm soát. Trước tình đó, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương vùng dịch khẩn trương huy động nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để bùng phát, lây lan ra diện rộng.
Tại buổi làm việc với phóng viên, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trâu bò đang được ngành chuyên môn và các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt. Trong đó, chú trọng tổ chức tiêm vắc xin cho toàn bộ trâu bò thuộc diện phải tiêm, lấy phòng dịch là yếu tố quan trọng hàng đầu.
“Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm dịch bệnh để triển khai các giải pháp phòng, chống kịp thời; tập trung tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi và tiêu diệt các loài vật chủ trung gian truyền bệnh; cách ly triệt để, chăm sóc, chữa trị hiệu quả đối với gia súc mắc bệnh; tăng cường kiểm soát, quản lý hoạt động buôn bán, giết mổ trâu bò, phòng ngừa nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh”, ông Trần Hùng thông tin.