Hà Tĩnh kiên định mục tiêu 'tăng trưởng xanh' trong phát triển kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chủ trì cuộc họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch phải chú trọng liên kết vùng
Báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh đề cập 3 phương án tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2030: Tăng trưởng bình thường (không phát huy được tất cả tiềm năng của tỉnh để trở thành một cực kinh tế quan trọng của cả nước); tăng trưởng cao theo hướng công nghiệp hóa nặng (không bền vững vì tạo áp lực lớn về môi trường); và tăng trưởng Hà Tĩnh xanh. Trong cả 3 phương án, mỏ sắt Thạch Khê đều đóng tạm thời ít nhất 50 năm.
Theo tỉnh Hà Tĩnh, phương án “tăng trưởng xanh” tạo sự đồng bộ giữa nâng cao sản lượng thép với phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường, tạo dư địa để chuyển đổi sang các ngành khác, giảm sự phụ thuộc vào nhà máy Formosa. Theo phương án này, Hà Tĩnh dự kiến tăng trưởng kinh tế đạt trên 9% trong 10 năm tới.
Hà Tĩnh ưu tiên phát triển 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm công nghiệp luyện thép, chế biến và chế tạo năng lượng; nông, lâm, thủy, sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. Quy hoạch cũng xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực là Khu kinh tế Vũng Áng.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ và năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050. Cũng theo tầm nhìn 2050, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.
Gợi mở nội dung phản biện Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phải xác định rõ thời gian qua Hà Tĩnh phát triển dựa vào cái gì? có phải nhờ dự án Formosa không? Việc tăng công suất luyện thép sẽ ảnh hưởng đến môi trường thế nào?
“Nếu vẫn lấy công nghiệp mà luyện thép làm động lực, nhưng nếu họ không tăng sản lượng hoặc hiệu quả không cao thì sao? Vì vậy, phải có hướng đi tự chủ, độc lập cao hơn. Nếu phụ thuộc thì cần phải tính toán lại” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lưu ý.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, Hà Tĩnh khi xác định các đô thị Hồng Lĩnh, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh làm động lực phải tính toán kết hợp với đô thị Vinh - Nghệ An (phía Bắc) và Quảng Bình (phía Nam). Phải liên kết vùng, phân vùng kinh tế rõ ràng, cái này tạo động lực bổ trợ cho cái kia không tách rời được.
Theo báo cáo của Hội đồng thẩm định, đến thời điểm này, cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định đã nhận được ý kiến tham gia của 17/20 bộ, cơ quan ngang bộ và 3/3 ý kiến của chuyên gia.
Có 25 ý kiến đồng ý với bản Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có 1 ý kiến đồng ý hoàn toàn, không bổ sung, 24 ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số điểm phù hợp hơn.
Các ý kiến phản biện cho rằng, nhìn chung kết cấu báo cáo quy hoạch phù hợp với yêu cầu; đã đánh giá toàn diện thực trạng các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh, và đưa ra được những định hướng phát triển theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, cần bổ sung, làm rõ một số vấn đề: Đánh giá tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đối với phát triển KT-XH; cần phân tích, đánh giá rõ luận chứng lựa chọn ngành mũi nhọn, then chốt; bổ sung kết nối hạ tầng tỉnh với hệ thống hạ tầng quốc gia; đề nghị dự báo cho ngành công nghiệp luyện thép trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng thừa làm căn cứ cho việc phát triển quy hoạch đảm bảo tính khả thi…
Ngoài ra, Hội đồng thẩm định và các ý kiến chuyên gia phản biện cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn các giải pháp cụ thể phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, quản lý số và khả năng thu hút, nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ.
Không vì tiến độ mà quy hoạch kém chất lượng
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo và sự vào cuộc của các sở, ngành đối với công tác lập quy hoạch. Hà Tĩnh là một trong 2 tỉnh đi đầu trong việc thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch phát triển KT-XH.
Đối với Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị cơ quan lập quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của các bộ, ngành; hoàn thiện hồ sơ sau khi đã tiếp thu, chỉnh sửa để trình phê duyệt. Đồng thời gửi hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đến cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định xem xét, rà soát theo quy định; hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Tuy nhiên, không vì thời gian tiến độ mà quy hoạch kém chất lượng, quan điểm xuyên suốt, nhất quán là phát triển nhanh nhưng phải bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.