Hà Tĩnh kiến nghị đoàn công tác đề xuất Trung ương cho dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê
Tiếp tục chương trình công tác tại Hà Tĩnh, chiều 3/12, đoàn giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do ông Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền tiếp và làm việc với đoàn.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Hà Tĩnh bình quân khoảng 640,17 tấn/ngày, tương đương với 233.662 tấn/năm; tỷ lệ thu gom đạt khoảng 77%. Hà Tĩnh hiện đang áp dụng các công nghệ xử lý tại các nhà máy, lò đốt và chôn lấp hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, mỗi năm Hà Tĩnh cũng phát sinh khoảng 4 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, 11.000 tấn chất thải rắn nguy hại và hơn 1.500 tấn chất thải y tế.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Phan Lam Sơn báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, quản lý khoáng sản theo yêu cầu của đoàn công tác.
Giai đoạn 2014 – 2019, Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra về công tác chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và xử lý khiếu nại, tố cáo về ô nhiễm môi trường. Qua đó, đã hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở khắc phục tồn tại, thực hiện hồ sơ, thủ tục còn thiếu về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
Ngoài ra, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý rác thải nhựa, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu... cũng đang được tỉnh quan tâm, xử lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Thời gian gần đây, Hà Tĩnh đã cơ bản kiểm soát được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Đến nay, trên địa bàn có 75 đơn vị đang khai thác và chế biến khoáng sản tại 83 mỏ. Các loại khoáng sản khai thác chủ yếu gồm: Vật liệu xây dựng, kim loại, khoáng chất công nghiệp, nước khoáng nóng.
Hàng năm, Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các đơn vị trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, qua kiểm tra, UBND tỉnh đã tiến hành thu hồi 29 giấy phép khai thác; chấm dứt hoạt động, yêu cầu đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, đất đai và không cấp lại giấy phép khai thác đối với 17 mỏ; tạm đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản đối với 18 mỏ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Kiến nghị đoàn công tác ủng hộ quan điểm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê và có đề xuất với Trung ương về quan điểm này…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cho rằng, Hà Tĩnh là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai. Công tác bảo vệ môi trường tại địa phương vẫn đang gặp khó khăn; việc phân loại chất thải chưa được quan tâm đúng mức, ý thức của người dân vẫn còn những hạn chế; còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật;
Việc triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác gặp vướng mắc do một bộ phận nhân dân thiếu đồng tình, công tác lựa chọn công nghệ, nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn…
Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, quan điểm của Hà Tĩnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Đồng thời, đề nghị đoàn công tác có những giải pháp giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong công tác xử lý tồn dư hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, xử lý khai thác khoáng sản trái phép…; kiến nghị đoàn công tác đề xuất với Trung ương về quan điểm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân: Đoàn công tác đồng tình cao với quan điểm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê của Hà Tĩnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân cho rằng, qua thực tế kiểm tra và làm việc, đoàn đánh giá cao công tác bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương. Đoàn cũng ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Hà Tĩnh tại buổi làm việc; đặc biệt đồng tình cao với quan điểm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Trưởng đoàn công tác cũng đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về công tác môi trường, khoáng sản, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường; tăng cường đầu tư các dự án bảo vệ môi trường; có kế hoạch thực hiện, chú trọng triển khai các nhiệm vụ để hạn chế tối đa biến đổi khí hậu tại địa phương.