Hà Tĩnh kiến nghị xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù về trẻ em
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu kiến nghị, các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đề xuất xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù về trẻ em phù hợp với các địa phương, đặc biệt là đối với nhóm trẻ chuyên biệt, trẻ khuyết tật.
Sáng 14/12, đoàn kiểm tra liên ngành của Ủy ban Quốc gia về trẻ em do đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về trẻ em dẫn đầu có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Luật Trẻ em, quyền trẻ em năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương làm việc với đoàn. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền tham dự.
Theo báo cáo, Hà Tĩnh hiện có 332.600 trẻ em, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi là 128.950 em, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.490 em, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 19.700 em.
Thời gian qua, việc thực hiện Luật Trẻ em, thực hiện quyền trẻ em ở Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng được nâng lên.
Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em được quan tâm. Quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên. Các chính sách về trẻ em được bổ sung, hoàn thiện và triển khai kịp thời, nhất là chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Hà Tĩnh đã thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Huy động và sử dụng nguồn lực trong công tác trẻ em ngày càng hiệu quả, thiết thực. Quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, đảm bảo trẻ em được bình đẳng và phát triển toàn diện.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành, địa phương đã giải trình, làm rõ một số vấn đề thành viên đoàn kiểm tra liên ngành quan tâm như: kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; hiệu quả các mô hình về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em; sự phối hợp của các ban, ngành trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em; phòng, chống bạo lực xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em; giải pháp trang bị, bổ sung thiết chế vui chơi giải trí cho trẻ em...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu khẳng định, Hà Tĩnh là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ngoài các chính sách của Trung ương, Hà Tĩnh còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trợ giúp trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tỉnh đã huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị, các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đề xuất xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù về trẻ em phù hợp với các địa phương, đặc biệt là đối với nhóm trẻ chuyên biệt, trẻ khuyết tật.
Mở rộng nhóm đối tượng trẻ em mồ côi được hưởng chính sách trợ cấp xã hội tại cộng đồng và trẻ em mồ côi được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội như: trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ thuộc hộ nghèo; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang ghi nhận, đánh giá cao kết quả Hà Tĩnh đạt được trong việc thực hiện Luật Trẻ em, quyền trẻ em.
Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị, trong thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị về công tác trẻ em; tiếp tục quan tâm đến trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em để phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước.
Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thường xuyên cho cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở; quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi, nhất là ở cấp huyện và cấp cơ sở.
Ngành LĐ-TB&XH phối hợp với ngành công an rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan đến trẻ em vào cơ sở dữ liệu chung về dân cư của tỉnh; hỗ trợ, can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục và xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.