Hà Tĩnh: Mưa lũ hoành hành, nhiều địa phương bị ngập lụt

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 1/9 cho đến ngày 3/9, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to gây ngập tại các tuyến đường giao thông, hồ đập và một số địa phương bị ngập lụt cục bộ.

Do lượng mưa đầu nguồn đổ về khá lớn cộng với công trình Thủy điện Hố Hô đã xả lũ đã làm nhiều xã trên địa bàn huyện Hương Khê bị ngập lụt và cô lập.

Theo đó, từ 19h ngày 2/9 đến 7h sáng ngày 3/9, lượng mưa ở tất cả các khu vực Hà Tĩnh đều tăng nhanh, lưu lượng đạt từ 110 - 234mm. Mưa lớn, xảy ra trong thời gian ngắn đã khiến lũ ở các sông lên nhanh. Trên sông Ngàn Sâu đang lên nhanh với biên độ lũ lên từ 0,95 m/giờ; trên sông La 15 - 20cm/giờ; sông Rào Cái và Cửa Nhượng ảnh hưởng của thủy triều.

Do lượng mưa đầu nguồn đổ về khá lớn, từ 8h sáng nay, công trình thủy điện Hố Hô đã xả lũ với lưu lượng 1.460 m3/s khiến 2 xã trên địa bàn huyện Hương Khê bị cô lập hoàn toàn gồm: Phương Điền và Phương Mỹ; 6 xã ngập cục bộ gồm: Hòa Hải, Hương Giang, Hương Thủy, Gia Phố, Hương Trạch, Lộc Yên.

Mưa lớn khiến 1.000ha lúa trên địa bàn huyện chưa thu hoạch có nguy cơ mất trắng, hàng ngàn ha bưởi Phúc Trạch mới chỉ thu hoạch được khoảng 30%. Mưa lớn cũng đã chia cắt nhiều tuyến đường liên xã, gây ngập trường tiểu học và mầm non của hai xã Hương Trạch và Hương Thủy. “Hiện tại, nước ở các sông đang tiếp tục dâng lên, nếu tiếp tục mưa lớn, nguy cơ nhiều địa phương ở Hương Khê sẽ bị ngập lụt lớn với mức báo động 3”, ông Lê Quang Vinh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ông Trần Tiến Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu cán bộ, nhân viên nhà máy thủy điện Hố Hô phân công trực đầy đủ 100% quân số, theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, thực hiện quy trình vận hành, xả lũ theo quy định; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình đầu mối, chủ động đề phòng mọi bất trắc; không để mực nước hồ Hố Hô vượt mức kiểm soát. Đặc biệt, phải thường xuyên cập nhật và thông báo cho chính quyền, nhân dân vùng hạ du về tình hình an toàn của hồ, kế hoạch, lưu lượng xả lũ theo quy định.

Đồng thời, yêu cầu huyện Hương Khê và các đơn vị thi công theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão; thông báo kịp thời cho người dân, đặc biệt là vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh.

Chuẩn bị và triển khai các phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất ở vùng núi; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các xã dọc bờ sông Ngàn Sâu và vùng hạ du công trình thủy điện Hố Hô, các lán trại có công nhân thi công các công trình ven sườn núi, vùng ven sông, suối.

Nước lũ chia cắt nhiều tuyến đường gây cản trở giao thông đi lại.

Trong khi đó, mưa lớn trong mấy ngày vừa qua đã làm cho những vùng đồng trũng của các xã hạ huyện Vũ Quang bắt đầu ngập lụt ở một số xứ đồng như ở Hương Minh, Đức Lĩnh, Đức Giang và một số xã vùng trũng khác. Một số diện tích cây trồng đối diện với nguy cơ bị ngập úng, trong số này có thể kể đến 55ha lúa ở xã Đức Lĩnh, Hương Minh, gần 2ha ngô ở xã Hương Minh...

Tại huyện Hương Sơn, mưa lớn trong nhiều ngày qua cùng với việc Nhà máy Thủy điện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xả lũ đã làm mức nước sông Ngàn Phố tại các xã vùng hạ huyện dâng lên khoảng 30 - 50cm, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất khá cao.

Theo ghi nhận, do ảnh hưởng của mưa lũ, mố cầu Trốc Vạc nối liền hai xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) đã bị nước lũ cuốn trôi. Ngoài ra, một số tuyến đường trên địa bàn huyện đã bị ngập gây ách tắc và chia cắt giao thông.

Từ 16h chiều ngày 3/9, Cty CP Thủy điện Hương Sơn tiến hành xả lũ, lưu lượng nước qua các cửa van đập tràn khoảng từ 40 - 80m3/s; lưu lượng nước qua tổ máy phát điện 8,7m3/s.

Mặc dù lưu lượng xả không lớn nhưng do kết hợp nước mưa những ngày qua và nước từ Ngàn Trươi đổ về ngã ba Tam Soa (hợp lưu sông La), chỉ sau hơn 1 tiếng xả lũ, mức nước tại các xã vùng hạ Hương Sơn đã dâng lên khoảng 30 - 50cm.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Sơn đã tập trung chỉ đạo các thành viên bám nắm địa bàn, đồng thời yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo các phương án ứng phó với mưa lũ.

Tại xã Sơn Kim 2, địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do lũ quét, lũ ống, địa phương đã triển khai phương án đối phó, trong đó trọng tâm là rà soát các hộ trong vùng nguy cơ lũ quét để di dời dân đến nơi an toàn.

Lãnh đạo huyện Hương Sơn đã trực tiếp về các địa phương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng chống mưa lũ, cập nhật thông tin về tình hình mưa lũ để thông báo cho bà con kịp thời, không để bị động.

Tại các khu vực có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và bị ngập lũ tại các vùng trũng thấp, huyện yêu cầu các cấp, ngành liên quan phải rà soát, thông báo đến tận hộ dân chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Tại huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Quốc Quân - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: “Lúc 3h sáng ngày 3/9, gió lớn đã cuốn phần mái dãy nhà 2 tầng ở trường Tiểu học Ngọc Sơn. Một số phòng học khác cũng bị tốc mái, cây cối trong khuôn viên trường bị gãy đổ”.

Hàng ngàn ha hoa màu trên địa bàn tỉnh chưa kịp thu hoạch bị ngập sâu do mưa lớn.

Trước diễn biến phức tạp thời tiết, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh chủ động công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn đê điều hồ đập, tập trung thu hoạch lúa Hè Thu… giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng do mưa lũ gây ra.

Phương Dung - Phi Long

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-tinh-mua-lu-hoanh-hanh-nhieu-dia-phuong-bi-ngap-lut.html