Hà Tĩnh: Ngập lụt vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ vẫn đang phức tạp
Sáng nay (20/10), hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng 775 m3/s, lượng mưa giảm, tuy nhiên lũ rút chậm nên các vùng hạ du của hồ chứa nước lớn nhất nhì Hà Tĩnh này vẫn đang bị lũ vây.
“Tâm lũ” năm nay tập trung ở huyện Cẩm Xuyên – nơi ảnh hưởng trực tiếp của hồ chứa nước Kẻ Gỗ, hiện nay tình hình ngập lụt vẫn đang phức tạp. 2 ngày qua, toàn huyện Cẩm Xuyên quay cuồng trong lũ dữ. Hàng nghìn hộ dân ngập sâu trong lũ, có nơi nước chạm đến nóc nhà.
Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thông tin, lượng mưa giảm, hồ Kẻ Gỗ giảm lưu lượng xả lũ, song lũ rút chậm, so với hôm qua (19/10) chỉ giảm được 20-25 cm, duy chỉ có vùng xã Cẩm Mỹ giảm xuống được khoảng 70 cm.
Trong các ngày 18 và 19/10, công tác sơ tán dân được huyện Cẩm Xuyên triển khai gấp rút, thực hiện theo kịch bản phá tràn xử lý sự cố hồ Kẻ Gỗ nên đến thời điểm này đã sơ tán được 32.000 người, tương đương 11.000 hộ dân.
Công tác sơ tán được thực hiện hình thức cục bộ, cuốn chiếu, ưu tiên vùng thấp trũng, nguy hiểm. Chuyển dân từ nhà thấp sang nhà cao. Trong xóm, làng có nhà cao tầng hoặc trụ sở cao ráo được tập trung di dân đến đó. Khi không có nhà cao tầng mới chuyển đến các điểm tập trung như Đại học Hà Tĩnh, Trường THPT Cẩm Bình, Trường tiểu học Cẩm Thành…
“2 ngày qua, số lượng người dân cần ứng cứu rất lớn, trải dài nhiều xã trên địa bàn. Song, huyện đã chủ động phân bổ phương tiện, lực lượng về các xã hài hòa nên đảm bảo được công tác cứu hộ. Sáng nay tiếp tục sơ tán người dân chưa thể sơ tán kịp, số này còn ít”, ông Phạm Hoàng Anh nói.
Thuyền, bè của ngư dân vùng biển được huy động để phục vụ công tác sơ tán dân, với tổng cộng hơn 50 thuyền. Ngoài ra, 15 ca nô của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Quân sự, Công an tỉnh, Sở GTVT cũng được huy động để ứng cứu người dân vùng lũ. Vì vậy, công tác sơ tán dân được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đến thời điểm này chưa có thương vong về người.
Tuy nhiên, về tài sản thiệt hại rất lớn. Hàng nghìn nhà dân bị lũ nhấn chìm, nhiều hộ chỉ kịp thoát thân khỏi dòng nước lũ, còn tài sản đành phải chấp nhận để lũ nuốt chửng.
Với phương châm “không để bất cứ người dân nào chịu đói”, huyện Cẩm Xuyên đã hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, cung cấp kịp thời cho người dân “chạy lũ”. Ngoài ra, có một số đoàn cứu trợ cũng tiếp cận với UBND huyện Cẩm Xuyên và được phân phát đến tận tay người dân.
Công tác cứu trợ cũng được các đoàn tập trung đến Bệnh viện Cẩm Xuyên. Tại đây, nước ngập sâu, toàn bộ khu vực tầng 1 ở các tòa nhà bệnh viện bị nước lũ “phong tỏa”. Nước và điện bị cắt 2 ngày qua, trong khi bệnh nhân đến đây cứu chữa bệnh liên tục, bệnh viện phải dùng máy phát, phát điện để cấp cứu cho bệnh nhân.
Ông Phan Thanh Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Từ hôm qua đến giờ, bệnh viện thực hiện thành công 18 ca đẻ và mổ đẻ trong điều kiện nước ngập sâu. Hiện nay, nước vẫn ngập quá gối, bệnh viện phục vụ bệnh nhân trong biển nước. Mong cho nước rút nhanh nhanh, nếu không, bệnh viện không đảm bảo được các điều kiện phục vụ bệnh nhân”.
Tại TP Hà Tĩnh, nhiều phường, xã trên địa bàn vẫn đang bị lũ chia cắt. Chị Nguyễn Thị Nga (32 tuổi, phường Hà Huy Tập) cho biết: Mưa giảm nhưng nước lũ ở đây đang lên, nước từ hồ Kẻ Gỗ đổ về mạnh khiến vùng này không thể cắt lũ.
“Chúng tôi bị lũ chia cắt suốt 3 ngày liền, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn, tài sản thì thiệt hại nhiều không kể hết”, chị Nga nói.
Công tác cứu hộ vẫn được triển khai trên địa bàn TP Hà Tĩnh, ở trung tâm thành phố, lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng chuẩn bị ca nô, xe tải, xe chuyên dụng để tỏa về các hộ dân khi có người dân kêu cứu. “Ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh trước tiên”, một cán bộ Công an nói.
Ở khu vực này, rất đông người dân lội nước vượt lũ lên trung tâm thương mại Vinmart để mua lương thực thực phẩm để tiếp tục chống chọi với lũ.