Hà Tĩnh: Nhiều cơ sở chế biến gỗ băm trái phép ngang nhiên hoạt động
Nhiều cơ sở chế biến, sản xuất gỗ băm dăm trái phép 'mọc' lên tại một số địa phương tỉnh Hà Tĩnh. Tất cả những cơ sở này đều nằm gần khu dân cư, không đảm bảo môi trường, an toàn giao thông và an toàn cháy nổ. Chính quyền địa phương đã nắm rõ và lập đoàn kiểm tra, tuy nhiên những cơ sở này vẫn hoạt động gây bức xúc cho người dân.
Dân kêu trời với những xưởng gỗ băm không phép
Nằm nép bên Tỉnh lộ 550 (thuộc địa phận xã Ngọc Sơn, H.Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), một cơ sở chế biến gỗ băm dăm hoạt động rất nhộn nhịp. Bên ngoài cơ sở này được bao kín, không có biển hiệu công ty. Hàng ngày, những chiếc xe đầu kéo với thùng xe quá khổ chở nguyên liệu (cây keo) và sản phẩm gỗ băm liên tục ra vào bất kể thời gian.
Anh H. - một người dân địa phương cho biết: "Nhà tôi ở gần xưởng gỗ băm dăm nên bụi từ đó bay bám khắp nơi. Không những thế, do xe chở keo và gỗ đã được băm là những chiếc xe đầu kéo cỡ lớn, thùng xe quá khổ qua lại, ra vào thường xuyên nên mỗi lần đi qua đó rất nguy hiểm. Từ ngày nhà máy gỗ băm hoạt động, cuộc sống của người dân chúng tôi bị ảnh hưởng, xáo trộn hết".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Quân - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, cơ sở gỗ băm dăm hoạt động trên địa bàn chưa được tỉnh cấp phép, đất chưa được chuyển đổi quy hoạch. Theo ông Quân, xưởng gỗ băm này hoạt động "núp bóng" một nhà máy gạch cũ chứ tên chính thức chưa có. "Ban đầu họ nói xin để làm thử, tôi trả lời không được. Tuy nhiên, họ vẫn làm "chui" nên chúng tôi đã làm báo cáo gửi lên huyện rồi" - ông Quân trình bày.
Tương tự, ngay bên đường mòn Hồ Chí Minh (thuộc xóm 5, xã Hương Long, H.Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cũng "mọc" lên một xưởng gỗ băm dăm. Qua tìm hiểu, xưởng gỗ băm này hoạt động trá hình dưới vỏ bọc là cơ sở thu mua keo tràm. Tuy nhiên, khi đi vào bên trong, hoạt động sản xuất gỗ băm rất rầm rộ.
Theo người dân địa phương, cơ sở sản xuất gỗ băm dăm này là của một người đàn ông tên Đại, hoạt động từ nhiều năm nay. Việc một nhà máy gỗ băm không phép hoạt động trong khu dân cư khiến những người sinh sống xung quanh rất lo sợ vì ảnh hưởng đến môi trường rất nghiêm trọng.
Một số người buôn bán tại khu chợ gần đó lo lắng, xe tải chở keo chạy qua lại để vào cơ sở chế biến gỗ băm như mắc cửi, những xe này xếp cây keo cao quá thùng, đe dọa an toàn giao thông trên những đoạn đường nó đi qua.
Ông Trương Quang Thụy - Chủ tịch UBND xã Hương Long cho biết, người dân có phản ánh về việc cơ sở sản xuất gỗ băm dăm hoạt động trái phép trên địa bàn. Tiếp nhận thông tin, chính quyền xã đã lập đoàn kiểm tra và gửi thông báo cho chủ cơ sở để sắp xếp thời gian làm việc. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Cách đó không xa, một cơ sở chế biến gỗ băm dăm khác được dựng lên một cách sơ sài tại xã Hương Bình (H.Hương Khê). Nhìn từ ngoài cổng vào, những hoạt động sản xuất gỗ băm bị che kín bởi một "núi" vỏ cây keo án ngự. Tuy nhiên, phía sau đó ngổn ngang gỗ keo, máy móc và dăm gỗ. Cùng với đó là những công nhân đang tích cực làm việc dưới tiếng ồn của động cơ và bụi bặm.
Ông Đặng Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho hay, xưởng gỗ băm dăm hoạt động trái phép trên đã bàn, xã đã biết và yêu cầu đình chỉ hoạt động, bổ sung đầy đủ các hồ sơ thủ tục. Sau đó, xã đã báo cáo lên UBND H.Hương Khê và huyện cũng tổ chức kiểm tra. Theo ông Bảo, xưởng gỗ băm trên được xây dựng và hoạt động trên đất chưa được quy hoạch. Quá trình kiểm tra, xưởng này cũng chưa đảm bảo về môi trường, phòng cháy chữa cháy nên xã yêu cầu đình chỉ.
Cho hoạt động để dân có nơi bán keo
Ông Ngô Xuân Ninh - Chủ tịch UBND H.Hương Khê cho biết, việc các xưởng gỗ băm hoạt động trái phép trên địa bàn, huyện đã nắm rõ và đang cho rà soát lại để lên phương án xử lý. "Tất nhiên là xử lý theo hướng không được làm ảnh hưởng môi trường và an toàn giao thông. Còn việc dẹp bỏ thì chưa được, vì trên địa bàn H.Hương Khê chưa có nhà máy chế biến gỗ. Trong khi đó, đây là vùng nguyên liệu keo, toàn huyện có 28.000ha rừng trồng. Đến mùa thu hoạch, dân phải có chỗ thuận tiện bán chứ không thể để họ vận chuyển đi xa. Chính vì thế, những xưởng gỗ trên chúng tôi cần rà soát lại để đảm bảo và cho hoạt động" - ông Ninh thẳng thắn nói.
Theo ông Ninh, toàn H.Hương Khê có khoảng 65 điểm hoạt động về lĩnh vực gỗ keo tràm bao gồm: thu mua, cân, bóc và băm. Tất cả những điểm trên đều là tự phát. H.Hương Khê đang rà soát lại để xử lý, cái nào không đảm bảo môi trường và an toàn giao thông thì dẹp. Cái nào đảm bảo được thì tạm thời cho hoạt động một thời gian, sau khi có nhà máy sẽ dẹp bỏ hẳn.
Ông Ninh giải thích: "Hiện chúng tôi đang kêu gọi xây dựng nhà máy gỗ băm, nhưng đang vướng về địa điểm xây dựng. Trong thời gian chưa có nhà máy, tạm thời phải để những xưởng băm dăm hoạt động nhưng phải bảo đảm an toàn môi trường và giao thông. Khi có nhà máy thì sẽ dẹp bỏ tình trạng xưởng gỗ băm tự phát".
Còn ông Nguyễn Anh Tùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường H.Thạch Hà cho biết, về cơ sở chế biến gỗ dăm trên địa bàn xã Ngọc Sơn do cá nhân họ làm. Chúng tôi đang kiểm tra, nhưng đó là đất của cá nhân chứ không phải doanh nghiệp. Về hoạt động, họ mua gỗ, bóc vỏ trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm nông lâm thì cũng thường xuyên và có nhiều vị trí chứ không chỉ mỗi xưởng gỗ băm ở xã Ngọc Sơn đâu. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại rồi thông tin sau.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND H.Thạch Hà cũng rất ngạc nhiên khi phóng viên hỏi trên địa bàn có nhiều điểm hoạt động băm dăm gỗ như ông Tùng nói. Còn về điểm ở xã Ngọc Sơn, ông Khoa đã nắm vì tỉnh đã thông báo cho huyện để lấy ý kiến, nhằm điều chuyển sang làm gỗ băm dăm ở đó. "Lúc trước chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, phạt và bắt đóng cửa rồi. Tôi sẽ cho rà soát lại để xử lý”.