Hà Tĩnh: Nhiều địa phương bị cô lập không phải do thủy điện xả lũ?
Mưa lớn trong 2 ngày qua làm một số xã ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh bị cô lập, đồng thời đe dọa đời sống người dân và hàng ngàn ha bưởi chưa thu hoạch.
Tại Hà Tĩnh, từ Quốc lộ 1 đến các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, nhiều vùng nước đã ngập trắng đồng. Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch huyện Hương Khê cho biết, vào lúc 8h30 sáng 3/9, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã tiến hành xả lũ, nhưng đây là hoạt động bình thường khi nước thượng nguồn đổ về nhiều thì cũng xả lũ nhiều và hiện tượng một số xã bị cô lập là do lũ chứ không phải do thủy điện xả lũ.
Các xã dọc sông Ngàn Sâu bị cô lập là Hương Đô, Lộc Yên, Hương Giang, Phương Mỹ. Có xã cô lập hoàn toàn, có xã cô lập một nửa, từ bờ sông bên này với bờ sông bên kia, như là Hương Đô, Hương Trạch.
"Hiện nay, có một số xã bị cô lập, một số hộ dân bị ngập, đặc biệt là diện tích bưởi đang vào mùa chưa kịp thu hoạch. Diện tích lúa cũng đang còn một ít. Hương Trạch thì có những thôn như Tân Dừa, Tân Thạch bị cô lập hoàn toàn; Rồi là Hương Đô, Lộc Yên, Hương Giang", ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Người dân các huyện miền núi Hà Tĩnh đang rất hoang mang, lo lắng bởi áp thấp kép đang tiến vào đất liền và nếu mưa còn kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của họ. Ông Nguyễn Hữu Vinh, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê bày tỏ nỗi bày tỏ: "Trận bão lụt sắp tới sẽ còn gây sạt lở, khiến chúng tôi rất lo sợ. Tôi sợ rằng nhà tôi sẽ không còn an toàn".
Trong khi đó, nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đang triển khai phương án xả lũ theo kế hoạch và sự chỉ đạo của tỉnh Hà Tĩnh. Theo ghi nhận của phóng viên, riêng xóm Tân Dừa, xã Hương Trạch đã có gần 100 hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Các xã thấp trũng như Hương Trạch, Hương Thủy, Phương Mỹ, Phương Điền, cũng đã bị ngập, chia cắt cục bộ. Gần 2.000 ha bưởi Phúc Trạch chỉ mới thu hoạch được khoảng 30% đang có nguy cơ bị lũ uy hiếp.
Ông Nguyễn Bá Tuấn, Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô trên địa bàn huyện Hương Khê cho biết, đơn vị luôn phải cập nhật tình hình thời tiết, lưu lượng nước về hồ để xả lũ nhằm đảm bảo an toàn hồ đập cũng như giảm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân vùng hạ du.
"Chúng tôi thường xuyên phối hợp với huyện, với xã để làm sao thông tin kịp thời diễn biến của mưa bão. Cập nhật lưu lượng nước về hồ cũng như lưu lượng mưa ở thượng nguồn và cập nhật mực nước ở trạm Thủy văn Chu Lễ", ông Tuấn nói.
Nhiều tuyến đường đến trường bị chia cắt, trường cũng bị ngập nên khó tổ chức lễ khai giảng năm học mới, đặc biệt là ở vùng rốn lũ. Ở những vùng bị ngập lụt, chia cách, ngành giáo dục Hà Tĩnh yêu cầu các trường cần linh động triển khai với tinh thần trước hết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh./.