Hà Tĩnh: Nhiều tiểu thương trắng tay sau trận lũ lịch sử
Đợt mưa ngập lụt lịch sử nhiều ngày qua khiến nhiều tiểu thương chợ TP. Hà Tĩnh, không kịp trở tay di dời tài sản, hàng hóa. Nước rút, nhiều hàng hóa nông sản bị ngâm nước nhiều ngày đã hư hỏng khiến bà con tiểu thương tay trắng.
Hai ngày nay, nước đã rút hẳn nhưng hậu quả của đợt ngập lụt vừa qua để lại rất nặng nề khi nhiều hàng hóa của bà con tiểu thương chợ Hà Tĩnh bị ngâm nước quá lâu.
Nước rút để lại cảnh ngổn ngang ở HàTĩnh - nơi có các kiốt buôn bán các mặt hàng nông sản, đồ hàng mã. Các tiểu thương hối hả dọn dẹp cửa hàng, nhưng toàn bộ hàng hóa do bị ngâm trong nước lũ nhiều ngày đi bị hư hỏng, thối rữa.
Nước dâng cao trên 1,5m khiến hầu hết các tiểu thương không kịp trở tay. Dù phần lớn các kiốt, kho hàng đều đã được kê cao sẵn gần cả mét song hàng hóa vẫn bị nước nhấn chìm.
Vừa nhặt nhạnh chút hàng hóa đã ngâm nước, bà Nguyễn Thị Nga, một tiểu thương kinh doanh trái cây tại chợ TP. Hà Tĩnh, buồn bã: "Nước lũ về quá nhanh, dâng kinh khủng quá. Thấy mưa to, chúng tôi ra kiểm tra hàng nhưng nước đã ngập cao quá ngực, chở hàng đi không kịp, giờ hư hết cả rồi".
Hàng nông sản sau trận lũ đã nảy mầm, không thể bán được. Hàng trăm bao đậu, lạc bị vứt bỏ ngổn ngang bên đường, nhiều người tranh thủ nhặt về làm thức ăn cho gia súc. Các mặt hàng như đồ khô, hàng mã bị ngâm nước lâu giờ trở thành rác.
"Gần 300 triệu đồng tiền hàng tấn nông sản như đậu, lạc của gia đình bị ngâm nước coi như mất trắng. Mặt hàng này bị ngâm nước rồi thì đành phải bỏ. Bây giờ còn phải thuê người bốc ra ngoài đi cho để dọn dẹp nữa" - chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương chợ Hà Tĩnh, thở dài.
Ông Nguyễn Thăng Long - Trưởng ban quản lý chợ Hà Tĩnh - cho biết, nước lũ lên nhanh khiến khoảng 2.000 kiốt bị ngập, trong đó có những kiốt ngập trên 1m.Thiệt hại của bà con tiểu thương là vô cùng lớn, hiện Ban quản lý chợ đang cử lực lượng phối hợp để tiến hành thu dọn hàng hóa hư hỏng, vệ sinh môi trường.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh, qua khảo sát cho thấy, tại cầu Phủ (TP. Hà Tĩnh) mực nước lũ đạt đỉnh lúc 22h ngày 19/10 là 4m, cao hơn mực nước lũ năm 2010 là 0,65m, còn tại cầu Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) mực nước lũ cao hơn lũ năm 2010 là 0,7m.
Thời điểm cao nhất, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 104 phường, xã với 38.955 hộ/135.851 người dân của 10 huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 23/10, toàn tỉnh Hà Tĩnh còn 10 xã bị ngập, trong đó huyện Cẩm Xuyên 7 xã (Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Quang, Cẩm Quan), với 972 hộ dân; Thạch Hà 2 xã (Tân Lâm Hương và Thạch Thắng), với 500 hộ dân; phường Đại Nài (TP. Hà Tĩnh), với 600 hộ dân.