Hà Tĩnh phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Hà Tĩnh phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Vũ Quang là huyện miền núi có địa bàn rộng, thời điểm mới thành lập, các thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương còn thiếu và yếu. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm không ngừng nỗ lực xây dựng, đến nay, Vũ Quang đã hoàn thiện khá đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp huyện đến xã, thôn, tổ dân phố (TDP). Toàn huyện có 10/10 xã, thị trấn xây dựng hội trường đa năng, khu thể thao đạt chuẩn; 79/79 thôn, TDP có nhà văn hóa đạt chuẩn; 71/79 thôn, TDP có khu thể thao đạt chuẩn. Cùng với không ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, việc đồng bộ hóa thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Vũ Quang.
Bà Phan Hồng Yến - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: “Có những kết quả này là nhờ chủ trương, chính sách và sự hỗ trợ của tỉnh dành cho huyện nhà. Nhận thức được tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Vũ Quang cũng tích cực phát huy nội lực trong việc huy động, vận động các nguồn lực từ xã hội hóa để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở”.
Vũ Quang là một trong những ví dụ điển hình trong xây dựng, phát huy thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thời gian qua ở Hà Tĩnh.
Năm 2009, toàn tỉnh có 155 nhà văn hóa kiêm hội trường xã, phường, thị trấn; 2.567 hội quán thôn, xóm, làng, TDP; 5.197 sân chơi thể thao. Tuy nhiên, hầu hết các thiết chế này đều chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Để khắc phục tình trạng đó, từ năm 2013, với sự tham mưu của Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách xây dựng, tiêu biểu như: Đề án “Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020”; Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, chủ trương của tỉnh về xây dựng “Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ” gắn với “Ngôi nhà trí tuệ” triển khai từ đầu năm 2021 được đánh giá là sáng tạo và đột phá trong việc phát huy vai trò, công năng của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Ông Phan Tất Thắng (thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Từ những thiệt hại của trận lũ năm 2020, việc có nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ đã giúp chúng tôi yên tâm hơn nhiều trước mùa mưa bão. Bên cạnh đó, với sự đầu tư khang trang, hiện đại kết hợp nhiều công năng như: khu thể thao, giải trí, ngôi nhà trí tuệ…, nhà văn hóa cộng đồng đã thực sự trở thành điểm giao lưu, sinh hoạt, học tập và rèn luyện thể thao thường xuyên của bà con trong thôn”.
Hiện nay, 9/9 thôn ở xã Cẩm Thành đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão lũ kiên cố theo mẫu thiết kế của tỉnh. Ngoài 2 nhà được xây dựng từ nguồn huy động của tỉnh, 7 nhà văn hóa cộng đồng còn lại đều được địa phương huy động nguồn xã hội hóa từ con em xa quê đóng góp và các doanh nghiệp tài trợ. Được biết, trị giá mỗi ngôi nhà trên dưới 2 tỷ đồng.
Với sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cá nhân, trong 20 năm qua, Hà Tĩnh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho việc xây dựng và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 200/216 xã, phường xây dựng hội trường đa năng đạt chuẩn (đạt 92,5%), 189/216 xã, phường có khu thể thao đạt chuẩn (đạt 87,5%); 1.856/1.965 thôn, TDP có nhà văn hóa đạt chuẩn (đạt 94,4%), 1.686/1.965 thôn, TDP có khu thể thao đạt chuẩn (đạt 85,8%). Riêng về xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ, đến nay, qua 1 năm thực hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 43 nhà, trị giá gần 90 tỷ đồng; xây dựng 20 ngôi nhà trí tuệ trị giá 7,2 tỷ đồng, huy động từ nguồn ngân sách tỉnh, Nhân dân đóng góp và xã hội hóa.
Mặc dù hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở toàn tỉnh cơ bản đã được xây dựng đồng bộ nhưng tại một số địa phương, hệ thống này vẫn thiếu hoặc chưa đạt yêu cầu. Trong đó, ngoài những địa bàn vùng sâu, vùng xa, mật độ dân cư thưa, giao thông khó khăn, việc huy động nguồn lực còn hạn chế như: huyện Kỳ Anh, Hương Khê… thì một số địa phương thuộc khu vực đô thị như TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thiếu hoặc chưa đạt do vướng quy hoạch từ trước.
Theo báo cáo từ Sở VH-TT&DL, cuối năm 2021, TP Hà Tĩnh còn 1 phường chưa có hội trường đa năng, khu thể thao, 74/125 TDP chưa có khu thể thao riêng; TX Hồng Lĩnh có 1 phường chưa có hội trường đa năng, 1 phường có hội trường đa năng chưa đạt, 9/52 TDP chưa có khu thể thao… Những hạn chế này đã ảnh hưởng tới việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Nhằm khắc phục những hạn chế trong việc thiếu đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, hiện nhiều địa phương đã lên kế hoạch và phương án để thay đổi thực trạng.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Hà Tĩnh cho biết: “Trên địa bàn thành phố còn phường Bắc Hà chưa có hội trường đa năng và khu thể thao theo tiêu chí mới. Chúng tôi đã lên phương án quy hoạch chọn địa điểm phù hợp để tiến hành xây dựng trong thời gian tới. Một trong 2 địa điểm được quy hoạch để xây dựng hội trường đa năng và khu thể thao cấp phường cho Bắc Hà là khu nhà tập thể của Trường Cao đẳng Y tế cũ thuộc TDP 9. Đối với các khu thể thao tại các TDP, từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã tiến hành triển khai các kế hoạch để xây dựng đồng bộ”.
Việc phát huy thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện còn một số tồn tại như: khai thác chưa hết công năng, thậm chí có một số địa phương để hoang hóa. Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao đã được xây dựng nhưng thiếu trang thiết bị hoạt động và vui chơi giải trí. Một số mô hình câu lạc bộ hoạt động chưa hiệu quả, mang tính hình thức và chưa nhân rộng được. Hệ thống thư viện huyện, xã và phong trào văn hóa đọc chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng…
Nhằm tiếp tục phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bền vững, có chiều sâu, chất lượng, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh, góp phần xây dựng tỉnh NTM vào năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 100% thôn, TDP có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn; 100% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và người cao tuổi…
Bà Nguyễn Thị Hệ - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết: “Để thực hiện những mục tiêu trên, đồng thời tăng cường phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, chúng tôi định hướng các địa phương cùng với nguồn ngân sách của tỉnh thì tiếp tục phát huy nội lực địa phương, huy động các nguồn vốn xã hội hóa để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục xây dựng phần cứng cũng như mua sắm các trang thiết bị. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân”.
Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm tạo môi trường nâng cao chất lượng hưởng thụ đời sống tinh thần: sinh hoạt văn hóa, học tập, rèn luyện sức khỏe… cho cộng đồng. Bên cạnh sự đầu tư, vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc tham gia sinh hoạt, tập luyện và giữ gìn, bảo vệ để phát huy những giá trị của những công trình này. Qua đó, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phong phú, lành mạnh.